Tòa án sơ thẩm Westminster (Anh) vừa chấp thuận cấp cho Uber Technologies một giấy phép hoạt động tạm thời trong 15 tháng tại London. Tuy nhiên, giấy phép mới đi kèm một loạt điều kiện nghiêm ngặt và các cảnh báo phải thay đổi, nếu công ty này muốn được tiếp tục hoạt động tại thủ đô của Anh, trung tâm của thị trường lớn nhất châu Âu của Uber.
Phán quyết là một thành công bước đầu của tân CEO Uber Dara Khosrowshahi. Năm ngoái, khi vừa nhậm chức một tháng sau loạt bê bối của cựu CEO Travis Kalanick, Cơ quan quản lý giao thông London (Transport for London -TfL) đã thông báo không gia hạn thêm giấy phép hoạt động của Uber tại thành phố này.
Thẩm phán Emma Arbuthnot nói rằng công ty con của Uber tại London đã có những thay đổi phù hợp để được cấp phép tạm thời. Giấy phép này ngắn hơn nhiều so với giấy phép 5 năm của Uber, vốn đã hết hạn từ tháng 9 năm ngoái.
Ứng dụng Uber tại London. Ảnh: Reuters |
“Uber đã bị quản chế. Giấy phép 15 tháng của họ có một bộ điều kiện rõ ràng để TfL giám sát và thực thi triệt để”, Thị trưởng London Sadiq Khan tuyên bố.
TfL cho biết đang xem xét quyết định của tòa án. Cơ quan này cảnh báo sẽ có hành động cụ thể nếu Uber không đáp ứng được các tiêu chuẩn. Năm ngoái, TfL từ chối gia hạn giấy phép vì Uber thất bại trong việc báo cáo các vụ phạm tội nghiêm trọng và kiểm tra lý lịch tài xế.
Vì thế, giấy phép tạm thời lần này buộc Uber London Limited (ULL) phải cải tổ cấu trúc quản trị. Công ty phải thông báo cho TfL những hoạt động trong các lĩnh vực có thể gây nguy hiểm cao. Công ty phải có báo cáo các khiếu nại liên quan đến an toàn và cung cấp báo cáo kiểm toán độc lập mỗi 6 tháng.
Uber có khoảng 45.000 tài xế ở London. Để giảm căng thẳng với giới chức thành phố, hãng đưa ra một số giải pháp như tổng đài hỗ trợ qua điện thoại 24/7, chủ động báo cáo các sự cố nghiêm trọng cho cảnh sát. Công ty cũng thay đổi quản lý cấp cao tại Anh.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với TfL để giải quyết các mối quan tâm cũng như giành được lòng tin của họ”, Tom Elvidge, Giám đốc Uber tại Anh tuyên bố sau phán quyết hôm 26/6.
Trong khi đó, Hiệp hội tài xế taxi (LTDA) cho biết thất vọng với phán quyết của tòa án. “Hệ thống tư pháp đã thất bại ở London ngày hôm nay và để cho một công ty đa quốc gia giành chiến thắng”, Tổng thư ký của LTDA bình luận.
Cho đến nay, Uber vẫn đang đối mặt với các cuộc biểu tình, cấm và hạn chế tại khắp nơi trên thế giới vì thách thức các hãng taxi truyền thống. Tại Mỹ, hãng cũng bắt đầu thảo luận với chính quyền New York về giới hạn số lượng xe được cấp phép, điều mà vị CEO tiền nhiệm Travis Kalanick từng chống lại.
Cùng với Mỹ, Tây Âu là thị trường ngày càng quan trọng đối với Uber. Công ty này đã rút khỏi Trung Quốc, Nga và Đông Nam Á và tương lai có thể là Ấn Độ, nơi phải đang cạnh tranh với công ty địa phương là Ola.
Phiên An (theo Reuters)