Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến Hà Nội chiều nay. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tối nay đã cuộc trao đổi với các doanh nghiệp và đối tác của Mỹ tại Việt Nam, với sự tham gia của hơn 100 người. Đây là một sự kiện trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày của ông.
Ông mở đầu bài phát biểu bằng cách nhắc lại hành trình bình thường hoá quan hệ đầy gian nan giữa Mỹ và Việt Nam sau chiến tranh. Ông cho hay hai nước đã đều có một giai đoạn khó khăn trong lịch sử. Những trao đổi giữa hai bên là minh chứng cho lợi ích chung của hai quốc gia, minh chứng cho sự tôn trọng lẫn nhau và cho quyết tâm dứt khoát của hai bên, gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.
“Điều Mỹ hy vọng là một ngày nào đó chúng tôi cũng có mức độ hợp tác giống như vậy với Triều Tiên. Chúng tôi biết đó thực sự là một khả năng bởi vì chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam đã bước đi trên con đường đó tuyệt vời như thế nào”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trước mối quan hệ đối tác chưa từng có giữa Việt Nam và Mỹ, ông Pompeo gửi thông điệp gửi tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng: “Tổng thống Trump tin đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam nếu ngài nắm bắt cơ hội này. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài”.
Ngoại trưởng Mỹ gặp gỡ giới doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội ngày 8/7. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. |
Mỹ đã thể hiện rõ mong đợi từ phía Triều Tiên để bắt đầu tiến trình này. “Sự lựa chọn bây giờ thuộc về ngài, để đưa nhân dân Triều Tiên ra khỏi tình thế bất lợi và bước vào một tương lai thịnh vượng, an ninh trong nước cũng như có sự tôn trọng ở bên ngoài. Nếu ngài làm điều này, lịch sử sẽ nhắc đến ngài như một an hùng đích thực của nhân dân Triều Tiên”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Theo Pompeo, trong những năm đầu thập niên 1980, lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước có thể cải cách, mở cửa, và gây dựng các mối quan hệ mà vẫn không đe doạ tới chủ quyền, độc lập và mô hình chính phủ của nước mình. Chìa khoá dẫn tới sự vươn lên đáng kinh ngạc của Việt Nam trong vài thập niên vừa qua là cách giao tiếp mới với Mỹ. Việc này bắt đầu năm 1985 khi hai nước bắt đầu hợp tác để hồi hương hài cốt các quân nhân Mỹ ở Việt Nam. Bước đầu tiên tuy khó nhưng vô cùng ý nghĩa này rốt cuộc đã giúp dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp hơn và thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước vào năm 1995. Đây cũng chính là vấn đề Mỹ đang thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un.
Pompeo cho rằng Việt Nam đang có nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam dưới mức 10%, so với 60% đầu những năm 1990.
“Việc chúng ta hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định gây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn với Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình”, Pompeo nói.
Giải thích rõ hơn chính sách ngoại giao của Mỹ, Pompeo cho hay một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia của Trump và bài phát biểu tại APEC năm ngoái đã nói rõ Mỹ cam kết với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi các quốc gia độc lập và hùng mạnh tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng pháp quyền và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm. Mỹ hy vọng những nguyên tắc này sẽ giúp các chính phủ và doanh nghiệp của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi họ lựa chọn đối tác.
“Việt Nam có thể tiếp tục là một mô hình cho các quốc gia muốn hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, bất kể họ đang ở đâu trong hành trình của mình”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.