Với sự phát triển của công nghệ tài chính trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều bước tiến quan trọng của Fintech trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Giới chuyên gia đánh giá, hoạt động Fintech tại Việt Nam càng trở nên sôi động cơ quan quản lý thành lập Ban chỉ đạo Fintech nhằm tạo ra hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện cho đơn vị trong ngành phát triển.
Theo đánh giá của Công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á – Solidiance, năm 2017, giá trị thị trường Fintech Việt Nam là 4,4 tỷ USD sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Công ty tư vấn này cho rằng ví điện tử phát triển mạnh nhờ có nhiều yếu tố hỗ trợ như tỷ lệ thâm nhập cao của Internet và điện thoại thông minh tại các trung tâm đô thị. Bên cạnh đó, thu nhập và tiêu dùng tăng, thương mại điện tử phát triển là những nhân tố cộng thêm.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 20 ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số của các Fintech với những cái tên như ViettelPay, Ví Việt, Momo, Moca, Payoo, Vimo, Baokim, Nganluong… Đáng kể, trong số này một số đã vượt ngưỡng một triệu người dùng, trong số đó có ngân hàng số ViettelPay vừa xuất hiện cách đây không lâu. Tính đến cuối năm 2016, giá trị giao dịch qua các ví điện tử của Việt Nam đạt 53.109 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2015.
Tuy vậy, một yếu tố khiến các chuyên gia phải lưu tâm đó là Fintech Việt gần như chỉ nhắm đến tập khách hàng tại các thành phố lớn… Tại đây, dù chịu sự cạnh tranh quyết liệt với thẻ ngân hàng, ứng dụng ví điện tử đang tập trung cho nhiều loại dịch vụ có nhiều ở đô thị như thanh toán vé xem phim, mua vé máy bay, mua bảo hiểm, thanh toán tiền taxi công nghệ…
ViettelPay cho biết, nông thôn, miền núi được xem là thị trường tiềm năng. |
Trong khi công nghệ Fintech đã đem đến những cuộc cách mạng cho vùng nông thôn ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Kenya, Nigeria…, làn sóng Fintech ở Việt Nam dường như vẫn chưa chạm được tới cuộc sống của người nông dân.
“Các ví điện tử hoạt động khá sôi động, song phần lớn tập trung ở các thành phố, bỏ trống khu vực nông thôn rộng lớn”, Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom nhận định.
Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Trung Kiên cho rằng, điểm giao dịch chính là khó khăn lớn nhất khiến các Fintech ngại mở rộng tại khi vực nông thôn.
“Chi phí để mở điểm giao dịch cho nạp và rút tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo là quá lớn nếu so sánh với các nguồn thu tiềm năng có thể đem lại”, ông này phân tích.
Bên cạnh đó, không ít nhiều người dân chỉ sử dụng điện thoại cơ bản không kết nối Internet. Theo một báo cáo của Nielsen năm 2017, tại thành phố trọng tâm, có 84% người sử dụng smartphone, còn ở nông thôn tỷ lệ này là 68%.
Giới chuyên gia đánh giá, đây được xem là sự lãng phí bởi khu vực nông thôn chiếm 65% dân số và đa số chưa có tài khoản ngân hàng được xem là khu vực tiềm năng để dịch vụ Fintech phát triển.
Fintech cho nông thôn không cần Internet
Một trong số những doanh nghiệp tận dụng được khoảng trống này là Viettel Telecom, tham gia thị trường Fintech cuối tháng 6 vừa qua với ViettelPay. Chỉ sau một thời gian ngắn cung cấp dịch vụ, ứng dụng ngân hàng số này đã vượt con số một triệu người dùng.
Ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp này cho biết họ xác định nông thôn, miền núi là thị trường chiến lược nơi các dịch vụ ngân hàng số chưa hiện diện.
Để khai phá thị trường, lãnh đạo Viettel Telecom cho biết, công ty sẽ thiết kế sản phẩm có thể dùng với điện thoại cơ bản tại nhiều mạng viễn thông (không cần sim Viettel) và không cần kết nối Internet. Người dân chưa có smartphone hoàn toàn sử dụng được dịch vụ ngân hàng số.
Mục tiêu của Viettel Telecom là phổ cập dịch vụ tài chính cá nhân cho mọi người dân như đã từng làm với viễn thông di động. Do đó, sản phẩm thiết bị hỗ trợ có thiết kế phù hợp với thói quen dùng điện thoại tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Bên cạnh đó, bằng liên kết với Ví Việt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ViettelPay cũng gia tăng thêm các điểm nạp, rút tiền tại vùng nông thôn.
Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp này khi triển khai kế hoạch là có hệ thống phân phối phủ tới mọi xã. “ViettelPay có tới hơn 120.000 điểm giao dịch để nạp và rút tiền trên khắp Việt Nam – điều mà không một ví điện tử hay ngân hàng số nào khác có được”, Phó tổng giám đốc Phạm Trung Kiên nói.
Cũng từ kênh phân phối trải rộng đến từng làng, xã, ViettelPay đảm bảo việc chuyển tiền mặt tận nhà chỉ trong 2 giờ trên toàn quốc. “Tính năng nay được xem là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi so với các đối thủ trên thị trường”, ông Kiên cho hay.
Thanh Thư