Theo nhẩm tính của Eemchanthavong, có hàng trăm người dân thuộc ngôi làng hẻo lánh phía nam Lào của ông chưa rõ sống chết ra sao sau khi đập thủy điện Xe Pian – Xe Namnoy bị vỡ. Tuy nhiên, giới chức địa phương lại nói với ông rằng chỉ có 10 người chính thức mất tích.
“Tôi không rõ con số đó có chính xác không”, New York Times dẫn lời người đàn ông 61 tuổi nói tại một trại tạm trú hôm qua. Đó là một trường tiểu học cách xa nhà ông hàng chục km. “Chúng tôi chỉ biết đợi thêm thông tin”.
Người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapue, đông nam Lào ở nơi tạm trú. Ảnh: Thành Nguyễn |
Trong khi cuộc tìm kiếm các nạn nhân đầy thử thách tiếp tục bằng thuyền và trực thăng, những người dân mất nhà cửa ở khắp nam Lào vẫn không rõ liệu những hàng xóm, người thân mất tích của họ đã chết, thoát nạn hay vẫn còn sống nhưng mắc kẹt đâu đó trên những sườn núi, thân cây, mái nhà, chờ cứu hộ tới.
Nỗi hoang mang càng gia tăng trước những phát ngôn trái ngược từ giới chức.
Hôm nay, tờ Vientiane Times dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết thêm một thi thể vừa được tìm thấy, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 5 người. Trước đó, hãng thông tấn Lào đưa tin số người chết là 27.
“Thật khó để biết liệu họ có đang nói dối hay họ không đủ khả năng thống kê”. Ian Baird, chuyên gia về Lào ở đại học Wisconsin, Mỹ, nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng sự nhập nhằng này là không quá ngạc nhiên với chính quyền ở một quốc gia nghèo, không quen ứng phó với thiên tai lớn như Lào.
Quy mô của cuộc tìm kiếm, cứu hộ và diễn tiến của nó ra sao hiện cũng không rõ. Truyền thông nhà nước Lào đưa tin vụ vỡ đập làm hơn 6.000 người mất nhà cửa. Tuy nhiên, hôm qua, chính quyền không cho biết chính xác có bao nhiêu người rơi vào cảnh không nhà, ngoài việc công bố 131 người mất tích.
Vụ vỡ đập Xe Pain – Xe Namnoy, dự án thủy điện 1,2 tỷ USD đang thi công, diễn ra vào tối 23/7 giữa trời mưa lớn. Hãng thông tấn Lào đăng tải hai con số ước tính khác nhau về lượng nước tràn ra ngoài do vỡ đập, ban đầu là 5 tỷ mét khối, sau đó là 0,5 tỷ mét khối.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về tốc độ ứng phó của giới chức Lào, chất lượng công trình và nỗ lực cảnh báo người dân. Các nhà thầu Hàn Quốc thừa nhận họ phát hiện nguy cơ vỡ đập từ trước đó một ngày. Tuy nhiên, những người sống sót cho biết họ chỉ được lệnh sơ tán trước khi nước tràn đến làng 3-4 giờ, thậm chí có người không hề biết gì.
Người dân Sanamxay, tỉnh Attapeu quay về làng khi nước rút. Ảnh: Thành Nguyễn |
Tại một trại tạm trú ở thành phố Paksong, một phụ nữ 30 tuổi thuộc nhóm dân tộc thiểu số Talieng mô tả khoảnh khắc mất mẹ giữa dòng nước lũ.
“Chồng tôi không giữ được mẹ nên bà bị cuốn đi”, Phorn kể.
Anh Sone Saenkanya, 43 tuổi, cho biết còn 40 – 50 người làng mình mất tích. “Tôi nghĩ tất cả họ đã chết”, Saenkanya nói khi đứng trên hiên của trường tiểu học cũ kỹ, mắt đỏ hoe.
Ở vùng ngập lụt gần con đập, cách trại tạm trú 5 giờ lái xe, nước đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, khung cảnh không hề bình thường.
Ở làng Khom Kong, Wanphaeng, 36 tuổi, lội qua lớp bùn ngập ngang đầu gối để quay lại cửa hàng tạp hóa của mình. Trâu bò chết nằm rải rác gần đó, những con chó hoang lang thang đi tìm thức ăn.
Bên trong cửa hàng, Wanphaeng nhìn thấy các chai lọ vỡ, những phụ tùng xe đã hỏng và một rổ đựng ba chục quả trứng. Cô bắt đầu dọn dẹp bùn đất bằng một miếng giẻ bẩn.
“Đây là tất cả những gì chúng tôi có”, cô nói.