Một chiếc T-34 Liên Xô tham chiến năm 1943. Ảnh: Wikipedia. |
Mùa thu năm 1943, quận Nevelsky phía nam vùng Pskov trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức. Trong cuộc chiến này, hai thành viên kíp xe tăng T-34 do thiếu tá Tkachenko chỉ huy đã chiến đấu kiên cường suốt 13 ngày trong tình trạng bị thương, đói khát và lạnh giá để bảo vệ xe tăng và chờ đồng đội giải cứu, theo War History.
Trong thời gian này, tập đoàn quân số 3 và 4 của Hồng quân Liên Xô tìm cách đánh bật phát xít Đức khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở khu vực Nevel. Trong hai tháng giao tranh, Hồng quân tổn thất khoảng 43.500 binh sĩ, nhưng vẫn tiếp tục cuộc tổng tấn công vào các vị trí then chốt của phát xít Đức.
Đức đối phó bằng cách tăng cường quân chi viện. Ngày 6/10/1943, một trung đoàn dự bị được điều đến làng Demeshkovo, phía bắc thành phố Nevel hòng chặn đà tấn công của Hồng quân.
Để hỗ trợ quân chủ lực, Lữ đoàn tình nguyện SS Estonia số 3 được triển khai đến hỗ trợ phòng thủ và đàn áp những người ủng hộ Hồng quân. Quân Đức bắn vào dân thường, phá hủy các ngôi làng và đưa tù binh đến Đức. Lo sợ người dân địa phương bị trả thù, nhiều lính Hồng quân kiên quyết bám trụ các khu vực chiếm được, trong đó có một kíp xe tăng T-34.
Tháng 12/1943, Demeshkovo và khu vực lân cận trở thành nút thắt quan trọng với chiến lược phòng thủ Đức, bởi các con đường đất tại đây là nơi Đức vận chuyển trang bị, đạn dược và binh sĩ. Khu vực này có giá trị chiến lược với cả Đức và Liên Xô, do đó quân Đức xây dựng các trận địa cối, đào ba tuyến hào và bố trí nhiều khẩu pháo ngụy trang. Hỗ trợ quân chủ lực tại đây là các đơn vị thuộc Tiểu đoàn xe tăng số 502 của Đức.
Chỉ huy Tập đoàn quân số 3 Liên Xô quyết định tấn công khu vực này. Ngày 17/12/1943, một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn xe tăng số 118 nhận chỉ thị chiếm làng Demeshkovo, dựa vào đó làm bàn đạp tấn công đường cao tốc nằm giữa thành phố Leningrad và Kiev. Tuy nhiên, kế hoạch gặp trục trặc ngay từ lúc đầu.
Những khẩu pháo chống tăng Pak-38 được quân Đức bố trí ở địa hình trên cao dễ dàng ngắm bắn lực lượng thiết giáp Hồng quân. Hỏa lực súng máy Đức cũng tấn công dồn đập, chia cắt bộ binh Liên Xô và ngăn họ yểm trợ xe tăng. Tuyết và bùn lầy cũng cản trở thiết giáp, khiến đà tấn công của Liên Xô bị chậm lại.
Các yếu tố này khiến 4 xe tăng Liên Xô bị trúng đạn khi ở địa hình trống trải. Ngay sau đó, quân Đức tiếp tục loại khỏi vòng chiến hai xe tăng khác của Hồng quân.
Thiếu tá Tkachenko chỉ huy chiếc xe tăng T-34 cuối cùng sót lại trên chiến trường cố gắng vượt qua một cứ điểm Đức để tấn công tập hậu. Tuy nhiên, xe tăng của Tkachenko bị mắc kẹt trong một đầm lầy phủ đầy tuyết.
Bộ binh Đức phát hiện chiếc T-34 không thể cơ động nên tìm cách tấn công và bao vây kíp lái. Toàn bộ tổ lái kiên quyết ở trong xe với niềm tin rằng họ có thể thoát ra khỏi đầm lầy. Bộ binh Liên Xô cũng đến nơi và ngăn quân Đức tiếp cận chiếc T-34. Sự kiên cường của kíp xe tăng đã truyền cảm hứng cho lực lượng yểm trợ. Họ cùng nhau cố thủ đến khi màn đêm xuống.
Do không thể liên lạc với cấp trên, Tkachenko quyết định cử một thành viên tổ lái ra ngoài liên lạc và tìm sự hỗ trợ để kéo chiếc T-34 khỏi đầm lầy.
Trong đêm, một phát đạn chống tăng của quân Đức xuyên thủng giáp xe, khiến một thành viên tổ lái thiệt mạng và Tkachenko bị thương nặng. Anh phải rút lui cùng một đồng đội bị thương khác. Trong xe lúc này chỉ còn trung sĩ Victor Chernyshenko và lái xe.
Trung sĩ Victor Chernyshenko. Ảnh: War History. |
Đợt tấn công tiếp theo của quân Đức làm lái xe thiệt mạng, chỉ còn Chernyshenko trong xe, đơn độc giữa vòng vây quân thù.
Sang ngày tiếp theo, trung sĩ Alexei Sokolov được điều động đến hỗ trợ Chernyshenko. Sokolov là từng tham gia chiến tranh Phần Lan và trận đánh ở Stalingrad, từng thoát chết hai lần sau khi xe tăng bị phá hủy. Sokolov tìm cách điều khiển chiếc T-34 khỏi đầm lầy nhưng bất thành, thậm chí còn làm nó lún sâu xuống đầm lầy.
Lúc này, đơn vị bộ binh yểm trợ phải rút ra xa 800 m so với chiếc T-34 do vấp phải hỏa lực mạnh từ pháo cối và súng máy đối phương. Quân Đức đào công sự ở cách xe gần 100 m và sẵn sàng tấn công.
Lúc này hai người trên chiếc xe tăng mắc kẹt là những binh sĩ ở vị trí thuận lợi để phòng thủ. Rất may là chiếc xe nằm ở vị trí ngoài tầm bắn của pháo chống tăng Đức, trong khi xe tăng đối phương không thể áp sát để tung đòn tiêu diệt.
Việc thoát khỏi xe rất khó khăn do nó nằm trong tầm quan sát của lính Đức. Hai lính Hồng quân quyết định tử chiến và bám trụ ở vị trí tương đối an toàn trong xe. Trên xe không còn nhiều thực phẩm, chỉ có một ít thịt hộp, bánh quy và thịt lợn, hai người cũng phải lấy nước uống từ đầm lầy do không còn lựa chọn nào khác. Lợi thế lớn nhất của họ là đạn dược dồi dào và xe tăng chìm sâu trong đầm lầy, giúp che đi phần lớn điểm yếu của nó.
“Quân Đức cố gắng tiếp cận chúng tôi từ mọi hướng vào mọi thời điểm trong ngày. Chúng tôi phải sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, đôi khi thay nhau canh gác để người kia chợp mắt. Đói khát và giá lạnh khiến chúng tôi khổ sở. Dù cố gắng tiết kiệm lương thực, chúng tôi chỉ duy trì được trong vài ngày. Cả hai đều suy kiệt, đặc biệt là Sokolov, người bị thương nghiêm trọng”, Chernyshenko hồi tưởng.
Dưới sự yểm trợ hỏa lực từ súng máy MG-42, bộ binh Đức tiếp tục tấn công chiếc T-34 một cách có hệ thống nhưng mọi nỗ lực đều thất bại và liên tiếp hứng chịu thương vong. Hết hy vọng bắt sống xe tăng T-34 cùng tổ lái, Đức dùng hỏa lực cối và pháo cỡ lớn để tiêu diệt. Một quả đạn pháo rơi trúng thân xe và khiến hai người trong xe bị thương, nhưng họ vẫn kiên quyết chống trả.
Ngày 29/12, chiếc T-34 bắn hết đạn, trong xe chỉ còn lại vài quả lựu đạn và một súng tiểu liên. Sau khi đánh bật thêm một đợt tấn công của Đức, Sokolov yêu cầu Chernyshenko để lại cho anh một quả lựu đạn và tuyên bố “thà chết chứ không đầu hàng”.
Ngày 30/12, Hồng quân Liên Xô chiếm được làng Demeshkovo. Lúc này, Sokolov đã lịm đi còn Chernyshenko ra hiệu cho đồng đội đến giải cứu, chấm dứt 13 ngày bị quân Đức vây hãm. Cả hai người sau đó được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng.
Khu vực làng Demeschkino (Demeshkovo), nơi diễn ra cuộc tử thủ. Ảnh: War History. |
“Hai chiến sĩ đã kiên cường bám trụ suốt 13 ngày trong tình trạng bị thương, đói khát và lạnh giá, nhưng vẫn liên tục bảo vệ xe. Ngày 30/12/1943, khi quân tiếp viện đến, khu vực gần nơi xe tăng bị mắc kẹt được giải phóng. Hai người được chuyển đến bệnh xá tiểu đoàn, nhưng Sokolov đã hy sinh vào ngày hôm sau”, văn bản xét thưởng thành tích chiến đấu viết.
Cả hai người đều được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích dũng cảm trong chiến đấu. Sokolov được chôn cất ngay gần nơi tử thủ của mình.
Viktor Chernyshenko sống sót nhưng hai chân bị hoại tử và phải cắt bỏ, đồng thời phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để chữa các vết thương khác trên cơ thể. Ông mất hơn một năm điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau và cuối cùng tập đi bằng chân giả.
Sau chiến tranh, Chernyshenko học đại học và tốt nghiệp ngành luật, trở thành trợ lý công tố viên và thẩm phán nhân dân. Dù trải qua nhiều biến cố, ông vẫn trở lại cuộc sống đời thường và qua đời năm 1997.
Duy Sơn