Đến Nga vào 9/6 để chuẩn bị cho World Cup 2018, tuyển Bồ Đào Nha được nước chủ nhà chào đón theo nghi thức. Một cô gái Nga mặc váy poneva truyền thống, đưa ra một chiếc bánh mì lớn kèm hũ muối tinh mời dàn danh thủ và ban huấn luyện.
Video: RT.
Những vị khách dè chừng tiếp nhận rồi cười đùa về món ăn khác thường, nhưng ít người biết rằng đây là một truyền thống cổ xưa của người Nga khi có khách quý tới nhà, theo Russia Beyond.
Bánh mì là tất cả
Tại Nga, khách đến nhà luôn được chào đón nồng hậu. Người dân xứ sở bạch dương hết lòng chiều khách, đó là lối hành xử có trong máu thịt của họ.
Từ thời cổ đại, bánh mì và muối tinh là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sức khỏe. Nhà có khách, gia chủ sẽ mặc những trang phục đẹp nhất, bày tiệc trên bàn, mời khách một đến hai lát bánh mì kèm thứ gia vị từ biển cả.
Bánh mì trong văn hóa Slavic được coi là một thứ thiêng liêng: Không có bánh mì trong bếp nghĩa là nhà chẳng còn gì ăn, không có bữa ăn nào thiếu vắng bánh mì.
Tuyển Anh cũng được nước chủ nhà chào đón với bánh mì muối trên tay huấn luyện viên Gareth Southgate, trong khi đội trưởng Harry Kane đại diện nhận một bình trà dát vàng. Ảnh: Reuters. |
Chia nhau một ổ bánh mì
Ngày nay, thế giới không còn thiếu muối – thứ gia vị đắt đỏ thời trung cổ, tới mức không phải ai cũng có thể bỏ tiền là mua được. Khoảng giữa thế kỷ 17, giá muối tăng vọt từng khiến dân chúng bạo động ở Moskva.
Cuối thế kỷ 19, thuế muối được bãi bỏ, từ đó người dân mới có thể mua thứ gia vị cơ bản này. Đó là lý do người Nga để dành muối trong những dịp trọng đại, như đón khách quý.
Nếu ai đó muốn tỏ ý xúc phạm gia chủ, họ chỉ cần rắc muối xuống sàn để thể hiện thái độ khinh bỉ. Dù ngày nay muối không đáng giá nhiều, hành động này vẫn giữ nguyên ý nghĩa và có thể gây ra ẩu đả.
Theo truyền thống, những vị khách thường được những cô gái mặc quốc phục mời một ổ bánh mì tròn đặt trên khăn trắng, với một hũ muối nhỏ trên đỉnh. Khách sẽ cẩn trọng xé một mẩu bánh mì, chấm muối và thưởng thức – đây là những cử chỉ cho thấy hai bên đã thiết lập một quan hệ hữu nghị. Tương truyền, nếu những kỳ phùng địch thù có thể ngồi lại cùng chia sẻ một ổ bánh mì với muối, họ sẽ hòa giải.
Người Nga cũng có thành ngữ “đồng lòng ăn cả put muối” (một pút bằng 16,38 kg), để nói đến những người cùng nhau trải qua bao thăng trầm. Hình ảnh ví von này cũng tương tự như ca dao của người Việt về nghĩa tình – gừng cay muốn mặn xin đừng quên nhau.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry tận hưởng bánh mì chấm muối khi đến Nga vào năm 2013. Ảnh: Flickr. |
Xua đuổi linh hồn quỷ dữ
Từ thời xa xưa, những gia chủ hiếu khách cũng được gọi là khlebosolnye (trong tiếng Nga, khled nghĩa là bánh mì, còn sol là muối). Theo một câu chuyện văn hóa khác, muối là biểu tượng cho sự thanh khiết vĩnh cửu trong tâm hồn. Khi ăn bánh mì với thứ gia vị này, người Nga không chỉ cầu chúc khách quý luôn giàu có mà còn có ý xua đuổi mọi điều xấu xa.
Muối từng được dùng để kiểm chứng một vị khách là người hay quỷ dữ. Nếu không tiếp nhận món quà này, anh ta sẽ không được phép bước qua cửa, để tránh đem theo ánh mắt quỷ dữ và những ý nghĩ tồi tệ vào nhà.
Ngày nay, bánh mì với muối vẫn rất phổ biến tại những dịp tiếp đón chính thức, cũng như nhiều nhà hàng có thực khách nước ngoài. Nhưng có lẽ, du khách sẽ thấy món ăn này xuất hiện nhiều nhất trong những đám cưới truyền thống Nga – khi cha mẹ luôn mời dâu rể bánh mì và muối.
Sau lễ thành hôn, cô dâu và chú rể sẽ bẻ một mẩu bánh mì, chấm vào hũ muối tinh trước khi ăn. Hành động này được coi là dấu hiệu họ đã sẵn sàng vượt qua mọi giông bão trong đời và hứa sẽ luôn chăm sóc nhau.
Video: Forever Video.