Hồi cuối những năm 90, tôi cũng thi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó là kỳ thi đại học. Với các học sinh tỉnh lẻ thì giấc mơ vào đại học khó khăn nghìn trùng. Khó khăn nhất là mỗi khi kỳ thi bắt đầu.
Mùa thi đại học, bao nhiêu học sinh tỉnh lẻ kéo nhau về thành phố, ở trọ, ăn cơm hàng, vào thi… Chỉ riêng chuyện đường xa mệt mỏi điều kiện ăn ở thôi cũng đủ thấy người tỉnh lẻ đi thi khổ sở thế nào.
Khi vụ chỉnh sửa điểm thi ở Hà Giang xảy ra thì rất nhiều người đưa ra các giải pháp khác nhau, trong đó có kêu gọi trở về hai kỳ thi như cũ. Người ta cho rằng, các trường đại học phải có quyền quyết định về việc tuyển sinh. Ngoài ra thì giao cả cho địa phương trách nhiệm gác thi và chấm thi trong một kỳ thi quan trọng nhất đời người thì thật không công bằng.
(Xem thêm: )
Cái chuyện hai kỳ thi đó không có gì mới mẻ cả. Việt Nam đã thực hiện nó hàng chục năm. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục lại chuyển sang một kỳ thi.
Mọi cố gắng của ngành giáo dục trong kỳ thi tốt nghiệp trung học chỉ nhằm vào việc làm sao cho thi cử công bằng. Việc học là quan trọng, và khi việc vào đại học hoàn toàn dựa vào thi cử thì chuyện thi cử công bằng là quan trọng nhất. Chuyển kỳ thi đại học trở về trường đại học có làm cho kỳ thi công bằng hơn không?
Khi thi ở địa phương thì người địa phương sẽ tìm cách nâng đỡ học sinh của địa phương mình, nhưng chính xác là em nào thì là chuyện khác. Còn khi thi ở trường đại học thì trường sẽ nâng đỡ, còn nâng đỡ ai thì sẽ trông vào chuyện gởi gắm. Ở Hà Giang chẳng hạn, đâu phải học sinh nào cũng được nâng điểm thi, mà những học sinh được nâng điểm thi thì chắc cũng phải “có gì” cho ông Lương, chứ không thì cái danh sách thí sinh gởi vào điện thoại của ông ở đâu ra.
Chuyện một hay hai kỳ thi không giúp cho giảm tiêu cực, mà nó chỉ di chuyển tiêu cực từ chỗ này sang chỗ khác. Thật ra thì chỉ với cách làm một kỳ thi này cộng với đề thi khó mà vụ sửa điểm mới bị phát hiện ra. Chứ như chuyện sửa điểm xảy ra ở một trường đại học thì ai biết là điểm này có bình thường không? Nói cách khác, thi gộp như hiện nay thì khả năng tiêu cực bị phát hiện tăng lên được một chút.
(Xem thêm: )
Khi một kỳ thi được tổ chức thì đề thi toàn quốc như nhau, các em học sinh ai ai sẽ cũng “được” các thầy cô tại trường ra sức nhồi nhét như nhau. Còn khi các trường đại học tự tổ chức thi thì mỗi trường còn mở khóa học luyện thi nữa. Tức là các em học sinh sau khi thi tốt nghiệp xong sẽ chạy tới trường đại học để ôn thi với hy vọng sẽ học được đề tủ. Cái cơ hội được nhồi nhét như nhau vì vậy cũng chẳng còn.
Cái “miếng bánh” dạy ôn thi đại học rất to. Ngày trước thì các trường phổ thông và đại học chia nhau, còn với một kỳ thi thì các trường đại học không còn xơ múi được gì. Kể cũng khổ, trường đại học không có nhiều quyền quyết định chuyện ai vào trường mình, nhưng cái miếng bánh đó đem chia thế nào cũng không ổn.
Với một chuyện quan trọng có quyết định tới cuộc đời của con người như vậy mà chuyện sửa điểm thi diễn ra thế này thì ai cũng bức xúc. Nhưng cách để giải quyết không nằm ở chổ mấy kỳ thi, không nằm ở chổ ai tổ chức thi, cũng không nằm ở chỗ có nên dùng biện pháp nào khác ngoài điểm thi để xét tuyển hay không. Nó nằm ở chổ ngành giáo dục cũng phải tham gia chống tham nhũng hối lộ cửa quyền.
(Xem thêm: )
Trong vụ việc ở Hà Giang thì bề nổi là một vụ sửa điểm thi. Còn ở dưới đó là một danh sách các thí sinh được gởi về điện thoại của người sửa điểm. Những người “nhờ” sửa điểm ấy chắc chắn không phải không liên quan gì. Chắc chắn phải có lợi ích trao tay hay hứa hẹn, chắc chắn phải có chuyện lợi dụng chức quyền làm người khác phải nghe theo mà làm trái, chắc chắn phải có chuyện môi giới tay trong.
Nhưng cho tới bây giờ thì mới chỉ có mình ông Lương bị khởi tố. Dẹp một mình ông ấy hoàn toàn vô ích khi các vị có con “bị” sửa điểm hiện giờ chỉ đang buồn mà dư luận thì chưa biết được là vì sao thí sinh đó lại “bị” sửa điểm.
Chia sẻ bài viết của bạn .