Theo SCMP, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (People’s Bank of China – PBoC) mới đây đã phải đứng ra kêu gọi các cá nhân và công ty không từ chối hoặc phân biệt đối xử đối với thanh toán bằng tiền mặt.
Thông báo được đưa ra nhằm chống lại cái được gọi là “sự thổi phồng quá mức” của một xã hội không dùng tiền mặt, trong thời điểm khối lượng thanh toán di động của quốc gia này tiếp tục đạt tới kỷ lục mới với 12.800 tỷ USD (theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin trung Quốc).
“Tiền mặt đã bị từ chối đối với một số người tiêu dùng trong các điểm du lịch, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và các ngành công nghiệp khác. Điều này làm tổn hại đến tình trạng pháp lý của đồng nhân dân tệ và làm tổn hại đến quyền của người tiêu dùng trong việc chọn phương thức thanh toán”, thông báo được đăng trên trang web của ngân hàng trung ương nêu rõ.
Trào lưu thanh toán di động đã lan tỏa khắp mọi ngõ ngách tại Trung Quốc. Ảnh Xinhua. |
Trung Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể tiến tới một xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt. Thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại di động như WeChat Pay và Alipay đã chiếm hơn 80% phân khúc thanh toán di động của quốc gia này.
Theo quan điểm của PBoC, tiền mặt nên được chấp nhận cùng với thẻ ghi nợ tại tất cả cửa hàng kinh doanh, ngoại trừ các cửa hàng thương mại điện tử và không được bị cản trở. Các doanh nghiệp có một tháng kể từ ngày 13/6 để thực hiện các điều chỉnh cần thiết, trước khi quá trình điều tra vi phạm của chính quyền bắt đầu.
Trong nhiều thập kỷ trước, Trung Quốc từng có thời điểm tràn ngập tiền giấy giả và sự ra đời của thanh toán di động đã giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Các quan chức nước này từng mô tả thanh toán di động không dùng tiền mặt là một trong bốn phát minh mới của Trung Quốc trong thời hiện đại, cùng với dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, tàu cao tốc và thương mại điện tử.