Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: KCNA. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 19/6 đến Bắc Kinh, chỉ vài giờ sau khi Trump dọa áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuần trước, Mỹ đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, khiến Bắc Kinh có động thái đáp trả tương đương.
Việc Trung Quốc mời Kim Jong-un đến thăm lần nữa “có thể được coi là phản ứng trước sự leo thang của Trump trong cuộc chiến thương mại”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói, theo NYTimes.
Đây là chuyến thăm thứ ba của Kim Jong-un đến Trung Quốc. Hai lần trước, các chuyến đi của ông chỉ được công bố sau khi kết thúc, trong khi đó hãng thông tấn Trung Quốc Xinhuađã thông báo trước chuyến đi lần này.
Hồi tháng ba, ông Kim đến Bắc Kinh trên một đoàn tàu bọc thép. Vào tháng 5, ông thăm thành phố cảng Đại Liên bằng máy bay của mình. Còn lần này, ông Kim thăm Trung Quốc giống như các lãnh đạo nước ngoài khác. Ông hạ cánh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh và lên xe limousine để vào trung tâm thành phố. Điều này cho thấy sự tự tin trên trường quốc tế ngày càng gia tăng của Kim Jong-un, theo Vice.
Chuyên gia về Triều Tiên Andrei Lankov cho rằng ông Kim sẽ tìm cách tận dụng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh giữa họ, nhằm đảm bảo họ không “liên thủ” chống lại ông như họ từng làm năm ngoái với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy là đồng minh của Triều Tiên, Trung Quốc năm ngoái đã ủng hộ thực hiện các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Kim Jong-un là một nhà ngoại giao rất giỏi, Lankov nhận xét. “Giống như ông nội Kim Nhật Thành, ông ấy thậm chí có thể qua mặt được Trung Quốc. Còn qua mặt chính quyền Trump thì là điều dễ làm”, chuyên gia đánh giá.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn ông Kim kiềm chế sự thân thiện mà ông đã thể hiện với Trump ở Singapore, các nhà phân tích ở châu Á nói. Trung Quốc coi tranh chấp thương mại với Washington là mối đe dọa nghiêm trọng hơn kho vũ khí hạt nhân của ông Kim. Việc Kim và Trump đe dọa tấn công lẫn nhau vào năm ngoái đã cho Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, đòn bẩy khi đàm phán với Trump về thương mại.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn Kim Jong-un hợp tác ít hơn với Mỹ nhằm khiến Trump nới lỏng vấn đề thuế quan với Trung Quốc, vì Washington biết rằng Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. “Trump đã mềm mỏng hơn về vấn đề thương mại khi ông cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh”, Zhang Baohui, nhà khoa học chính trị tại Đại học Lingnan tại Hong Kong, nói.
“Trung Quốc sẽ cố gắng sử dụng Kim Jong-un để phục hồi đòn bẩy với Trump, nhưng không có lý do gì để Kim hoàn toàn phải nghe theo và vứt bỏ tất cả những gì ông ấy đã đạt được ở Singapore”, Bilahari Kausikan, cựu ngoại trưởng Singapore, đánh giá.
Tóm lại, Trump đang sử dụng Kim để chống lại Trung Quốc, còn Kim đang sử dụng Trung Quốc để chống lại tổng thống Mỹ. “Đó là một mối quan hệ hình tam giác”, ông nói.
Chuyến thăm của ông Kim chỉ ra rằng quan hệ Trung – Triều đang ấm lên, sau những năm căng thẳng khi Kim Jong-un tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc chống lại Triều Tiên, Bắc Kinh gần đây cũng chỉ ra rằng họ sẵn lòng hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố chung Mỹ – Triều ký kết tại Singapore, Trump và Kim cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa nhưng ngôn ngữ trong thỏa thuận mơ hồ và không có thời hạn rõ ràng. Người Mỹ nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ vẫn tồn tại cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ hạt nhân.
Nhưng Trung Quốc gợi ý rằng bản thân cuộc gặp Singapore đã là hành động thể hiện thiện chí của Triều Tiên và các lệnh trừng phạt nên được dỡ bỏ.
Lankov cho rằng trong chuyến thăm tuần này, ông Kim sẽ cố gắng tìm cách giảm nhẹ áp lực từ các biện pháp trừng phạt mà không cần chúng bị dỡ bỏ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách gửi người Triều Tiên đến làm việc tại Trung Quốc nhưng không phải bằng thị thực dành cho người lao động,
Kim Jong-un đã hứa hẹn với người dân về một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và Trung Quốc có thể tư vấn cho Triều Tiên cách biến đổi nền kinh tế nông nghiệp thành hiện đại. Một phái đoàn lãnh đạo địa phương Triều Tiên gần đây đã thăm các thành phố có kinh tế phát triển của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể đề xuất nới lỏng một số biện pháp trừng phạt và mở “cửa sau” để hỗ trợ kinh tế, Kim Byung-yeon, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định. Nhưng Trung Quốc không nên mạo hiểm danh tiếng quốc tế của mình bằng cách đi quá xa, Giáo sư Kim nói. “Các lệnh trừng phạt được thiết kế để đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán và họ đã làm điều đó, nhưng không rõ liệu họ có thật sự muốn đàm phán không hay chỉ đang câu giờ”.
“Nếu Trung Quốc muốn giảm áp lực lên Triều Tiên, đó sẽ là một động thái tệ”, ông nói thêm. “Bắc Kinh đã đồng ý trừng phạt Bình Nhưỡng vì mục đích hướng tới phi hạt nhân hóa. Nếu Trung Quốc cung cấp nguồn lực cho Triều Tiên ngay từ bây giờ, điều đó không phù hợp với vai trò của họ tại Liên Hợp Quốc”.