Năm 1975, khoảng 200 hộ gia đình ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội lên Tức Tranh làm kinh tế mới. Ông Tô Văn Khiêm (Sinh năm 1970, quê Hà Nội) theo gia đình lên Khe Cốc (Tức Tranh, Thái Nguyên) làm kinh tế từ khi mới 5 tuổi.
Lúc đó, một số người bản địa Sán Chay đã trồng chè trung du, diện tích rất nhỏ, rải rác mỗi đồi vài trăm mét, không đáng kể. Chè tươi tốt dù không được chăm sóc. Thấy khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, người dân bắt đầu mở rộng diện tích trồng chè. Ông Khiêm cũng cùng cả nhà tham gia đào rãnh, tra hạt từ những ngày đầu khai sinh vùng chè.
Đến nay, tuổi đời ngót 50, ông là một trong những người đầu tiên chứng kiến sự hình thành và phát triển của cụm chè 5 xóm Khe Cốc.
Hầu hết các hộ dân Khe Cốc đều làm chè nhưng chất lượng chè chưa đồng bộ nên thị trường bấp bênh. Ảnh: Xuân Chinh |
Ông kể lại, trước Đổi mới, bà con lạm dụng phân hóa học, được hợp tác xã phân phát chừng nào đều cố dùng hết chừng ấy. Thói quen cho chè ăn bội thực phân bón này duy trì mãi tới tận sau Đổi mới. Bội thực đạm khiến cây đẻ nhánh nhiều, thân không khỏe. Đạm cũng khiến cho lá xanh đậm và mềm, thu hút các loại côn trùng và nấm bệnh.
Chất lượng chè thấp, dẫn tới đầu ra bấp bênh. 95% số hộ ở Tức Tranh trồng chè, nhưng hơn 50ha chè không giúp kinh tế khấm khá hơn. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Khiêm quyết định khăn gói lên đường đi học. Suốt 3 năm, ông ghé thăm các vùng chè VietGAP, hữu cơ ở Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La… Riêng vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên), ông tới ăn ngủ cả trăm lần. Ông nhận ra, chè Khe Cốc cần cởi trói khỏi cách làm cũ để làm ra chè sạch, có chất lượng đồng đều cả vùng.
Chè Khe Cốc cần cởi trói khỏi cách làm cũ để làm ra chè sạch, có chất lượng đồng đều cả vùng. Ảnh: Xuân Chinh |
Ông tiên phong áp dụng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng các chất hóa học đồng thời vận động 31 hộ khác lập tổ sản xuất chè an toàn. Nhiều người xì xào ông gàn dở, nghi ngờ sản lượng chè giảm và không có đầu ra.
Ông kiên trì miệng nói tay làm, tự đi mua phân chuồng về ủ với nấm đối kháng trichoderma bón cây 3 lần mỗi năm thay thế phân hóa học và không dùng thuốc trừ cỏ.
Ông tranh thủ các buổi họp xóm để vận động bà con cùng làm chè an toàn theo VietGAP, hữu cơ. Các nhân công ông thuê tới nhà phân loại chè đều được ông chia sẻ về kỹ thuật và lợi ích khi trồng chè an toàn cho con người và môi trường.
Ông Khiêm (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về cách chăm sóc chè an toàn cho bà con. Ảnh Xuân Chinh |
Mô hình sản xuất chè an toàn của ông và tổ sản xuất cuối cùng cho thu quả ngọt. Sản lượng chè không những không giảm, giá bán lại cao hơn 30.000 đồng đến 50.000 đồng một kg. Ngày công bỏ ra chăm sóc chè và chi phí phân bón giảm 50-80%. Đất đai giàu mùn ẩm, giun và côn trùng sinh sôi. Người hái chè làm việc không ngại hóa chất, búp chè hái ăn ngay được tại đồi.
Nhìn thấy hiệu quả từ những người tiên phong thử nghiệm, nhiều hộ khác học tập làm theo. Ông Khiêm nói rằng: “Như vậy ranh giới mềm giữa đồi chè nhà này với nhà kia trên vùng chè sẽ không còn. Chất lượng vùng chè sẽ nâng lên”.
Ông Khiêm chia sẻ thêm, ranh giới cứng là con đường đi, là hàng cỏ mọc để phân định quyền sở hữu ở vùng chè, còn ranh giới mềm là khoảng cách vô hình về chất lượng chè giữa từng hộ thì không nên có.
Đến nay, Khe Cốc hiện có 20ha chè đang sản xuất theo hướng hữu cơ để được địa phương mời Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới công nhận vào năm 2020.
Giải quyết được khâu trồng, ông Khiêm tính tiếp đến bài toàn sản xuất và đầu ra. Ông là người đầu tiên ở Khe Cốc lát gạch men, làm trần chống bụi, đưa máy móc công nghệ cao (máy vò, máy sao, kho bảo quản lạnh…) vào sử dụng trong khu chế biến chè. 7.800m2 chè trung du của gia đình ông được chứng nhận VietGAP 5 năm trước.
Ông Khiêm chia sẻ, chè là một đồ uống thông dụng, có tính đặc trưng vùng miền cao nên thị trường rộng mở. Năm nay, Chính phủ chọn Chè Thái Nguyên là quà tặng cấp cao tại Hội nghị APEC, là tín hiệu vui cho các vùng chè đất Thái. Hiện, chè Khe Cốc xâm nhập chủ yếu vào thị trường quà biếu, là thị trường đòi hỏi sự khắt khe và chất lượng cao.
Xuân Chinh