Dù được tòa tuyên thắng kiện trong vụ tranh chấp tài sản do mình là bị đơn hơn tháng trước, nhưng anh Phạm Thanh Tùng ( huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) lại thấy rất đau, bởi kết quả là sự chia rẽ, thù hằn và mất tình anh em. Đó là chưa kể, sắp tới đây, anh lại tiếp tục phải nén nỗi đau đến tòa gặp các anh chị em ruột để đòi quyền lợi cho mình. “Tài sản là của bố mẹ để lại, nhưng giờ anh em tôi tranh giành một mất một còn, đau… đau lắm”, anh Tùng nói.
Theo hồ sơ, bố mẹ anh Tùng có 8 người con, bốn trai, bốn gái. Bảy người trước ai cũng lành lặn, khỏe mạnh và có gia đình riêng. Riêng cậu út là anh Tùng, bị nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khỏe và sống trong cảnh tật nguyền từ lúc mới sinh. Mọi sinh hoạt của anh phải nhờ đến sự khéo léo của đôi chân và người thân giúp đỡ.
Bà Huệ là mẹ anh Tùng và chồng từng tạo lập được rất nhiều đất. Chồng mất, bà phân chia hết tài sản cho các con. Tùng và người anh trai kế tên Sơn được nhiều hơn một chút vì một người không thể tự kiếm kế sinh nhai, một người có nhiệm vụ phải chăm sóc, bao bọc em út. Đó là mảnh đất biền lá ven sông và mảnh đất vườn có căn nhà cấp bốn. Người mẹ ấy đã cẩn thận sang tên, lập di chúc tại phòng công chứng cho con trai.
Anh Tùng cho biết, hơn bốn năm qua, anh chỉ biết tìm niềm vui bằng những vần thơ tự sáng tác và sự động viên, đồng cảm, chia sẻ của những người xung quanh và bạn bè trên mạng. Ảnh: NVCC |
Năm 2011, bà Huệ mất vì bạo bệnh, 6 người còn lại bán, cầm cố gần hết phần thừa kế của mình. Hơn ba năm sau, những người này cho rằng, mẹ không công bằng nên kiện, yêu cầu hủy di chúc và hợp đồng tặng cho tài sản mà em út đã nhận. Cụ thể, phần đất vườn và số tiền mà anh Tùng đã cho thuê đất trong vòng 3 năm, tổng cộng 320 triệu phải chia làm 8 phần. Ngay sau đó họ đuổi các em đi để chiếm đất và nhà. Từ đó, vợ chồng anh Sơn và em út hết tá túc ở nhà ngoại rồi phải đi thuê chỗ ở. Phần đất cho thuê cũng bị khách hủy ngang nên Tùng cũng chẳng còn chi phí để trang trải.
“Nói thật, tôi mệt mỏi vô cùng. Đất là của cha mẹ để lại. Tôi đứng tên là di nguyện của mẹ. Mẹ muốn tôi không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các anh chị mới làm điều đó. Khi vụ kiện chưa diễn ra, tôi nhiều lần nói, sức khỏe của em đã yếu, rồi đây, số tài sản đó rồi cũng chia đều cho các anh chị. Vậy mà, từ khi được đứng tên, tôi phải nhờ đến công an, chính quyền địa phương can thiệp mới không bị hãm hại”, anh Tùng tâm sự bằng giọng buồn, ngắt quãng vì nói không rõ tiếng.
Không biết luật, đi lại khó khăn, phải có người nâng đỡ, ban đầu anh Tùng đăng câu chuyện của mình lên trang cá nhân nhờ giúp đỡ. Song song đó, với chiếc máy tính cũ, cơ thể dặt dẹo và đôi chân cử động khó khăn, anh lên mạng đọc các vụ kiện tương tự, tìm hiểu pháp luật, nghiên cứu kỹ từng điều luật, nghị định về đất đai và tố tụng dân sự với quyết tâm, tìm được ánh sáng cho mình.
Còn anh Sơn, vừa tranh thủ buôn bán, vừa sắp xếp công việc chăm sóc, đưa đón em trai đi đến những nơi cần đến. “Thằng bé bị như vậy là nó gánh cho bảy anh em chúng tôi. Mẹ muốn bù đắp cho những thiếu thốn của nó thôi mà”, nước mắt anh Sơn rưng rưng khi nhìn cơ thể co quắp của em trai.
Hơn bốn năm với những mòn mỏi chờ đợi, trải qua hàng chục lần hòa giải, ba phiên xử, ngày 8/5 vừa qua, TAND huyện Châu Thành (Kiên Giang) nhận định, phần đất mà bà Huệ cho hai con trai là đúng, vì thế họ có quyền quyết định nên đã bác yêu cầu lần hai của các nguyên đơn, do hai người anh là Luận và Truyền làm đại diện. Kết quả thì như ý muốn, nhưng tim anh Tùng, 36 tuổi, như thắt lại.
“Từ ngày mẹ mất đến giờ, đã hơn sáu năm rồi, anh em tôi chưa một lần tụ họp, chưa một lần hỏi thăm nhau”, anh Tùng đau buồn nói.
Anh Tùng cho biết, anh Truyền đã thay mặt những người còn lại đã kháng cáo. Hiện đang anh cùng luật sư bảo vệ miễn phí chuẩn bị các tình tiết để bảo vệ ý kiến của mình tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
Từng xét xử nhiều vụ án tương tự, một thẩm phán của TAND TP HCM cho biết, chuyện anh Tùng bị kiện là vô cùng đau lòng, thế nhưng, trong thực tế rất nhiều người vì tiền, vì tài sản đã bất chấp tất cả. “Bà Huệ đã chia tài sản của mình đồng đều cho các con. Tôi mong rằng, những người còn lại hãy vì đứa em phải chịu nhiều thiệt thòi mà dừng lại. Tiền tài sản mất đi có thể làm lại được, nhưng tình cảm đã mất thì trôi đi mãi mãi. Họ có gồng mình lên để đòi chia quyền lợi cũng không được xem xét”, vị chuyên gia nói.
Phan Thân