Dự án Kinh doanh với người giữ rừng của Trịnh Thị Ngọc Hiện (30 tuổi, quê Bình Đại) giành giải 3 cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Chiếc đò gỗ chở nhóm năm du khách lướt êm trên dòng kênh nước mặn, hướng về lõi rừng đước, mắm Bình Đại xanh hút tầm mắt. Nước da bánh mật, chân dép tổ ong, cổ quấn khăn rằn, áo bà ba, Ngọc Hiện lanh lợi hướng dẫn cho du khách từng loại cây, con dọc đường đi.
Mất khoảng 30 phút, chiếc đò cặp bến, vào khu homestay vừa mới xây cất bằng gỗ và lá dừa nước, xung quanh là rừng đước, mắm xanh rì.
Du khách được người giữ rừng đưa đi tham quan. Ảnh: Hoàng Nam. |
Sau khi đãi khách một số món cây nhà lá vườn, nữ thạc sĩ hướng dẫn khách thay quần áo dã ngoại, rồi xuống xuồng ba lá giăng lưới, đặt gập (bẫy) bắt cua.
“Chúng tôi được dân địa phương đưa đi tham quan, hướng dẫn tự câu, lưới cua, cá rồi chế biến, ăn ngay tại chỗ. Đêm đến, chúng tôi ngủ luôn tại nhà sàn, cảm nhận sự yên tĩnh của rừng nước mặn, nhiều năm rồi mới trở lại quê nhà, cảm giác trải nghiệm rất thú vị”, ôngTử Vinh, Việt Kiều Pháp tham gia tour chia sẻ.
Tám năm trước, ấp ủ ước mơ khởi nghiệp ngay trên quê hương, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP HCM, thay vì ở lại thành thị, Hiện về làm việc tại Hội Thủy sản Bến Tre.
Thời gian này, cô được giao phụ trách giám sát một số dự án hỗ trợ người dân nuôi thủy sản kết hợp bảo vệ rừng do nước ngoài tài trợ. Lặn lội vào rừng cùng với người dân, cô nhận thấy rừng luôn dồi dào sản vật sạch, nhưng chưa đến được thị trường, nên cuộc sống của người giữ rừng còn quá khó khăn.
“Muốn người dân giữ rừng tốt thì phải đảm bảo thu nhập ổn định cho họ. Vì vậy mình nghĩ đến việc tạo cầu nối giữa người dân và thị trường”, Hiện chia sẻ.
Thời gian vừa làm, vừa học lên cao học, 5 năm sau, khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô xin nghỉ việc, bắt tay ngay vào dự án “Kinh doanh với người giữ rừng”.
Từ nguồn vốn khởi nghiệp không lãi suất 60 triệu đồng, Hiện cùng chồng lặn lội vào rừng thuyết phục người dân tham gia vào dự án.
“Nông dân quen với kiểu thích gì làm đó, nên việc thuyết phục ban đầu rất khó khăn, chỉ có hai hộ đồng ý bán sản phẩm cho mình”, cô nói và cho biết, khi đã đưa được sản vật từ rừng ra ngoài, thời gian đầu, do nông dân chưa biết cách bảo quản, nên cá tôm bị hư hại nhiều.
Ngọc Hiện (choàng khăn) giới thiệu cua biển tự nhiên với du khách. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ngoài ra, tìm nguồn tiêu thụ cũng là một bài toán đau đầu. Chủ yếu cô phải dựa vào những mối quan hệ từ bạn bè, mạng xã hội, gửi sản phẩm dùng thử, họ ăn thấy ngon sau đó mua và giới thiệu cho người khác.
“Nhiều mối đặt cả chục ký tôm, cua nhưng sau đó khi giao hàng lại không nhận nên từ thực phẩm tươi phải đem chế biến cấp đông. Mà mình quy định cấp đông không quá hai tuần để đảm bảo chất lượng, nên sau đó phải tranh thủ bán giá rẻ, có khi lỗ công”, cô nhớ lại.
Hiện bảo, nhiều khách hàng khó tính cũng “chất vấn” về nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm, do là “thổ địa” nên nữ doanh nhân trẻ dễ dàng tạo được niềm tin cho họ. Cô đem cả hai loại cho khách thấy tận mắt, rồi chỉ ra cụ thể, rằng con tôm nuôi sẽ đồng nhất một màu, ốm hơn do ăn thức ăn công nghiệp đường ruột to. Ngược lại, tôm tự nhiên nhiều màu sắc, kích cỡ đa dạng, mình tròn hơn. Cua nuôi có màu trắng bạc, còn cua tự nhiên sẽ có màu phèn.
Nhờ tạo được niềm tin với khách, đến nay, sản phẩm của Ngọc Hiện đã đến được một số cửa hàng thực phẩm sạch tại TP HCM. Tùy theo con nước, bình quân mỗi tháng cô thu mua 1-2 tấn sản phẩm. Sản phẩm cũng rất đa dạng, từ tươi sống, đến chế biến khô, cấp đông, gồm tôm, cua và gần 30 loài cá như chẽm, đuối, nâu, ngát, lịch.
Sau ba năm, mạng lưới người giữ rừng của Hiện có gần 20 người tại hai huyện Thạnh Phú và Bình Đại. Cô cùng chồng cũng chính thức mở công ty một năm trước.
Ngoài thu mua nông sản cho người dân, cứ hai ngày Hiện lại dẫn một đoàn khách tham quan, chủ yếu tại TP HCM vào rừng ăn, ở cùng người dân. “Đoàn khách phải dưới 20 người, mình không nhận nhiều quá vì sợ sẽ phục vụ không chu đáo. Ngoài ra, đông người cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, khách cũng được hướng dẫn không vứt rác ở rừng”, nữ doanh nhân trẻ chia sẻ.
Nữ thạc sĩ giới thiệu các món dân dã tại Homestay. Ảnh: Hoàng Nam. |
Hiện cũng đã liên hệ với nhiều giáo viên cũ và một số giáo sư tại các trường đại học nghiên cứu nuôi thả tái tạo một số giống thủy sản vào rừng. Theo cô, thiên nhiên đang ngày càng giảm đi sự phong phú, nên nếu cứ tập trung khai thác mà không nuôi tái tạo thì sẽ có lúc cạn kiệt.
Ông Lê Văn Hận, có kinh nghiệm gần 20 năm giữ rừng tại Bình Đại cho biết, từ trước đến nay nông dân chủ yếu phải bán sản phẩm khai thác từ rừng ở chợ. Dù cua cá rừng chính hiệu, nhưng không có chỗ bán nên phải bán cho thương lái đồng giá với hải sản nuôi công nghiệp.
“Từ ngày cô Hiện đến đây mua giá cao hơn chợ mỗi ký 10.000 đồng, thu nhập chúng tôi tăng đáng kể, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, quan trọng là sản phẩm luôn được cam kết thu mua ổn định. Nông dân còn hưởng lợi từ dịch vụ đưa đón, hướng dẫn du khách”, ông Hận nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Văn Mãi – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp Bến Tre nhận định, dự án của Trịnh Thị Ngọc Hiện xuất phát từ sự nỗ lực tìm tòi học hỏi và tình cảm với quê nhà của cô.
“Cái hay của dự án là tạo được sinh kế cho những người giữ rừng, để họ đảm bảo đời sống, gắn bó với việc giữ rừng. Về kinh doanh, việc đưa sản phẩm sạch phục vụ cho người tiêu dùng đảm bảo cho sức khỏe”, ông Mãi nói và cho biết, dự án còn kết hợp đưa người du lịch đến tham quan, có niềm tin sử dụng sản phẩm đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm. Dự án đi đúng hướng nên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sắp tới.
Hoàng Nam