Tôi sinh ra ở Hải Phòng, nhưng không có nhiều ý niệm về ngành xuất nhập khẩu. Hiểu biết đầu tiên về xuất nhập cảng của tôi, là do một cậu bạn hồi phổ thông bày cho.
Hồi ấy, sau mấy năm ra trường, ai xây dựng sự nghiệp nấy, chúng tôi gặp lại nhau. Cậu lên Hà Nội lánh một cuộc điều tra của công an.
Bạn tôi làm trong ngành xuất nhập khẩu mấy năm. Công ty bị điều tra, lánh lên Hà Nội, không mang theo đồng vốn nào, ngoài một mớ kiến thức lùng bùng về việc kiếm lời từ các lỗ hổng ở cảng. Trên vỉa hè Hà Nội năm ấy, lần đầu tiên tôi được giải thích về “tạm nhập tái xuất” có những lỗ hổng gì; về “kẹp chì hải quan” có thể được bóc ra, lấy hàng khỏi container và gắn lại ra sao; việc khai báo hải quan có thể lỏng lẻo thế nào; và lần đầu tiên mường tượng được quy trình nhập lậu của thực phẩm đông lạnh, liên kết được những container phân hủy chảy nước bốc mùi ở cảng đến các quán hàng lúc nào cũng thơm phức mùi đồ nướng.
Bây giờ, hàng chục nghìn container Việt Nam lại làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện năm xưa.
Có một đặc trưng của ngành xuất nhập khẩu, là anh chỉ làm phù thủy với giấy tờ, con dấu và niêm phong, nhưng nếu làm sai, thì hậu quả gây ra với xã hội là tác hại vật lý. Đó là hàng hóa kém chất lượng; là những lô thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc được đưa thẳng đến miệng người tiêu dùng kèm nước chấm chua cay; đó là những núi rác khổng lồ kẹt lại ở các cảng biển, mà chắc chắn là nước ta sẽ phải xử lý chứ không xuất đi đâu được. Mà nói về rác, thì ngay cả rác nội địa chúng ta xử lý còn chưa xong, vẫn còn chất đống ở ngoại thành, gây ô nhiễm.
Và có một điều, không phải vì tôi chơi với bạn mình nên mới nói. Nếu chừng nào mà luật pháp còn lỗ hổng, việc thực thi pháp luật còn lỏng, thì sẽ luôn có người tìm ra nó để tận dụng. Đó là sức mạnh của đồng tiền. “Lên án” các doanh nghiệp nhập khẩu rác không có tâm như tôi thấy từ vài vị có chức sắc gần đây, không giải quyết được vấn đề.
Bối cảnh bày ra trước mắt chúng ta rất rõ ràng: Trung Quốc, từng là bãi rác của thế giới, giờ không muốn đóng vai đó nữa. Họ cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng phế thải. Ở các quốc gia phát triển, chi phí xử rác lớn hơn việc đóng vào container rồi xuất sang một nước đang phát triển. Nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng đóng thay vai “bãi rác” cho Trung Quốc.
Và trên thực tế là chúng ta đã bắt đầu nhận thấy những núi rác tồn đọng ở các cảng biển từ vài năm trước. Người ta nhập rác về, rồi không nhận, bỏ lại cảng. Con số bây giờ đã lên tới hàng chục nghìn container. Số rác đó, và chi phí xử lý chúng, sẽ là người dân Việt Nam oằn mình gánh chịu.
Bối cảnh bày ra rất rõ ràng, và các quốc gia xung quanh nhận thức được vấn đề lập tức. Hôm qua, ngày 22/6, hàng xóm Thái Lan đã lập một ủy ban chuyên trách về nhập khẩu phế liệu, do Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đứng đầu. Họ biết rằng thay đổi chính sách của Trung Quốc sẽ biến Thái Lan thành bãi rác. Trên báo, tôi thấy một vị tướng cảnh sát Thái Lan tuyên bố về việc “chiến đấu”. Hàng loạt các vụ đột kích, bắt bớ được cảnh sát nước này thực hiện để chống nạn nhập rác thải. Từng tờ giấy phép nhập hàng tái chế của Thái Lan bây giờ sẽ được xem xét.
Thái Lan đã hành động bằng cả hệ thống chính trị. Thậm chí, họ đã dùng cả đường ngoại giao. Họ viết thư cho Thụy Sỹ, đề nghị nước này hãy xuất điện thoại cũ sang Singapore, ở đó có công nghệ xử lý, đừng xuất sang Thái Lan nữa.
Hàng chục nghìn container rác đang tồn ở các cảng biển chỉ là phần nổi của tảng băng. Gốc rễ vấn đề là chính sách mới của Trung Quốc, là việc gần như chắc chắn nhập rác sẽ trở thành một ngành siêu lợi nhuận mới, là việc chúng ta đang có gần 1.000 doanh nghiệp có quyền nhập khẩu phế liệu và sẽ có nhiều người nảy lòng tham.
Rác đã ở trước cổng, và chúng sẽ còn tới, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, lách qua các quy định hải quan cho đến khi thế giới tìm được “bãi rác” mới thay Trung Quốc.
Trên báo Việt Nam, tôi nhìn thấy lời kêu gọi “phạt thật nặng” các doanh nghiệp nhập rác. Nhưng trên báo Thái Lan, tôi nhìn thấy các án tù: 10 năm tù và các khoản phạt lên tới hàng tỷ đồng cho hành vi nhập khẩu rác gian dối. Ở Việt Nam cho đến thời điểm này, sau mấy năm rác chất ở các cảng biển, chưa có một vụ án đáng kể nào được khởi tố vì nhập khẩu rác. Trách nhiệm được kết luận một cách đơn sơ là “chủ hàng không nhận”, hoặc bỏ trốn.
của Việt Nam đang rất thấp, và đã có hơn một cộng đồng dân cư phải đau khổ vì năng lực này. Ngay cả khi phải cắn răng chi tiền để xử lý đống rác chất ở các cảng, chúng ta cũng chưa có cách xử lý hiệu quả.
Tổng cục Hải Quan sẽ không thể lãnh trọng trách này một mình. Mỗi container rác nhập về xứng đáng là một vụ án hình sự, chứ không phải là một lời tuyên bố “xử lý nghiêm” nữa. Chống nạn nhập rác, là chống từ bên trong, ở từng doanh nghiệp và từng tờ giấy phép, chứ khi rác đã bốc xuống cảng rồi, không cho thông quan thì Việt Nam cũng đã trọn vẹn vai trò bãi rác: cái cảng ấy cũng là lãnh thổ Việt Nam.
Một quốc gia không thể để người khác biến mình thành bãi rác. Đây không chỉ là vấn đề chi phí. Đó còn là danh dự.
Đức Hoàng