Trong một lần tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cử tri huyện Ba Vì – một địa phương thuộc Hà Tây cũ khác – nêu vấn đề: Gần 10 năm về với Hà Nội, người dân đã được gì? Ông hỏi và tự trả lời rằng, người dân chỉ thấy được “nghĩa trang và rác”. Các nghĩa trang ở Ba Vì được mở rộng và là nơi an táng tập trung của người dân thủ đô. Khu xử lý rác thải Xuân Sơn thành nơi xử lý rác cho hơn 10 quận, huyện.
Ký ức về những cuộc đổi thay chóng vánh trên đất Hà Tây bắt đầu từ tháng 8/2007, người dân quê tôi náo nức khi nhà nước có quyết định thành lập thành phố Sơn Tây. Khi ấy, “quê tôi” vẫn thuộc tỉnh Hà Tây.
Được lên thành phố, các cơ quan, trụ sở đồng loạt làm lại biển, bảng, người dân bàn tán về viễn cảnh tươi sáng. Một cổng chào điện tử chào đón được dựng lên trên quốc lộ đi qua thành phố. Ngày trung ương về công bố quyết định, pháo hoa rợp trời, không khí vui như hội. Cũng thời điểm đó, một thị xã khác của tỉnh Hà Tây cũng rộn ràng đón quyết định lên đời: thành phố Hà Đông.
Nhưng chỉ vài tháng sau, chủ trương mở rộng thủ đô Hà Nội được thông qua. Trong đề án mở rộng Hà Nội, toàn bộ diện tích Hà Tây bị sáp nhập. Theo quy định, các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương được chia thành quận, huyện và thị xã, không có thành phố nằm trong thành phố.
Sơn Tây trở lại làm thị xã, Hà Đông thành quận trong cuộc họp nhiều tranh cãi của hội đồng nhân dân Hà Nội cuối năm 2008. Cơ quan công quyền ở Sơn Tây và Hà Đông lại một lần nữa thay đổi biển, bảng, con dấu. Lãnh đạo thành phố cũng về công bố các quyết định, nhưng không có lễ hội chào mừng nào diễn ra.
Người dân Sơn Tây được gắn mác thủ đô trở lại. Gọi là “trở lại” vì năm 1978 Sơn Tây đã nhập về Hà Nội, đến năm 1981, Sơn Tây tái hợp với Hà Tây. Tháng 5/2008, Hà Nội lại mở rộng và lấy toàn bộ diện tích Hà Tây. Dấu ấn của thời đi-về ấy là những giấy tờ cá nhân, như chính tôi, mang dấu ấn của nhiều tên đơn vị hành chính khác nhau dù vẫn chỉ ở một nơi.
Về với thủ đô, Sơn Tây được khoác cái áo là một trong năm đô thị vệ tinh với chức năng được vẽ trong đồ án quy hoạch: “Đô thị văn hoá lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng”. Sau 10 năm sau, hình hài về đô thị vệ tinh vẫn chưa hình thành, quy hoạch chi tiết vẫn đang được nghiên cứu. Đề xuất xin tái lập thành phố Sơn Tây vẫn được được xem xét.
Không chỉ Sơn Tây, những địa bàn khác của tỉnh Hà Tây cũ như Sóc Sơn, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên được quy hoạch trở thành thành phố vệ tinh cũng trong tình cảnh “treo quy hoạch”.
Lên thành phố, rồi xuống thị xã, tách Hà Nội, rồi lại về Hà Nội, nhưng Sơn Tây vẫn chỉ là Sơn Tây. Những điều kiện kinh tế cốt lõi không mấy thay đổi. Chợ Nghệ – chợ trung tâm thị xã vẫn nằm im lìm cùng rêu mốc, không bóng khách. Hạ tầng được đầu tư nhỏ giọt. Khách du lịch đến thăm, chán chường rồi bỏ đi. Bình cũ rượu cũ, chỉ có cái mác rượu thì được thay liên tục. Cuộc “thay mác” để thành “thủ đô” không để lại nhiều cảm giác cho dân Sơn Tây như tôi, ngoài một sự lãng phí giấy tờ, lãng phí bảng biển,…
Mấy kỳ họp HĐND sau đó, cử tri Sơn Tây nêu câu hỏi về trách nhiệm cá nhân, tập thể về những lãng phí khi liên tục thay đổi tên gọi hành chính của Sơn Tây và Hà Đông. Những câu hỏi ấy chưa bao giờ được trả lời thoả đáng.
Để có bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội thủ đô sau 10 năm sáp nhập, chúng tôi tìm đến các sở, ngành thành phố. Tuy nhiên sau nhiều ngày qua lại, kết quả chỉ là những cái lắc đầu hay miễn cưỡng cung cấp những thông tin chẳng mấy liên quan.
Nhưng người dân họ không chờ những bản báo cáo, họ hỏi và tự trả lời. “Chúng ta đang làm quy hoạch cho Hà Nội hay cho thủ đô Hà Nội”, một cử tri của quận Đống Đa bức xúc nói về quy hoạch. Vị này cho rằng, nếu quy hoạch cho thủ đô Hà Nội thì phải bao gồm cả những vùng đất được sáp nhập vào Hà Nội gồm toàn bộ Hà Tây, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và bốn xã của Hoà Bình. Nhưng thực tế, các công trình lớn đều tập trung ở các quận nội đô, trong khi khu vực ngoại thành kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn…
Dĩ nhiên, vài ý kiến trên không phải là bức tranh tổng thể của Hà Nội sau 10 năm mở rộng và càng trái ngược với những mỹ từ được các đại biểu đưa ra tại các cuộc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo 10 năm mở rộng Hà Nội. Rất nhiều từ “thành công”.
Bản báo cáo công phu 36 trang ấy, có 17 trang nói về những thành tựu và 2 trang nêu hạn chế. Và tất nhiên, trong 2 trang đó, không có đủ câu trả lời cho nỗi lòng nhiều người Hà Tây.
Võ Hải