Một nhóm nhà khoa học mô tả cách họ xác định nguồn phát hạt neutrino ở cách Trái Đất 4 tỷ năm ánh sáng trong hai bài báo đăng trên tạp chí Science, IFL Science hôm qua đưa tin. Đó là một thiên hà giàu năng lượng mang tên TXS 0506+056, chứa hố đen siêu lớn xoay tròn ở lõi gọi là blazar và bắn ra dòng hạt kép.
Ngày 22/9/2017, đài quan sát IceCube ở Nam Cực phát hiện một hạt neutrino mang năng lượng cao đang bay đến. Máy dò cao cấp này có hệ thống báo động theo thời gian thực và thông báo về phát hiện cho các nhà thiên văn học trên toàn thế giới chỉ 43 giây sau đó.
Khoảng 20 đài quan sát, bao gồm kính viễn vọng vũ trụ tia gamma Fermi của NASA đang bay trên quỹ đạo, phản hồi lại thông báo và hướng tầm ngắm lên bầu trời để tìm kiếm nguồn gốc của hạt neutrino. Họ tìm thấy chuẩn tinh siêu nhỏ gọn này tỏa năng lượng sáng chói và phát ra tia gamma. Nó cũng bắn hạt neutrino về phía Trái Đất.
“Kết quả này là một chuỗi sự kiện đáng chú ý. Tổng hợp lại, kết quả cung cấp bức tranh lý thú về nguồn gốc của tia vũ trụ đầu tiên được xác định”, nhà nghiên cứu Darren Grant ở Đại học Alberta, phát ngôn viên của IceCube, nhận xét.
Xem xét kho dữ liệu của IceCube, các nhà khoa học phát hiện thêm hàng chục sự kiện gắn liền với chuẩn tinh blazar vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Kết quả đó giúp họ xác nhận hạt neutrino mang năng lượng cao tìm thấy vào năm 2017 chắc chắn đến từ nguồn này.
Nguồn phát tia vũ trụ là điều bí ẩn trong hơn một thế kỷ qua. Chúng ta biết chúng liên tục trút xuống Trái Đất từ vũ trụ, nhưng không dám chắc chúng đến từ đâu. Do tia vũ trụ là những hạt tích điện, lộ trình của chúng bị biến đổi bởi từ trường ở không gian, khiến việc xác định nguồn phát trở nên khó khăn.
Neutrino được mệnh danh là “hạt ma” bởi chúng hầu như không có khối lượng và hiếm khi tương tác với vật chất. Hạt neutrino từ blazar di chuyển gần như theo đường thẳng trực tiếp hướng về phía Trái Đất, nhờ đó các nhà khoa học có thể tìm ra nguồn gốc của nó.