Suốt thời gian sống ở Thái Lan, tôi đã nhiều lần chứng kiến những người Thái bình thường ứng xử với nhau rất tử tế trong những tình huống mà cả cộng đồng phải đối mặt. Khi nhà vua Thái qua đời năm 2016, những người nghèo từ miền Đông Bắc đổ về Bangkok để tưởng niệm ngài. Phần đông họ nhìn lem luốc, đói nghèo, không đủ tiền mua chiếc vé tàu, nhưng vẫn muốn tham dự lễ cầu nguyện cho nhà vua.
Ngay lập tức, nhiều sinh viên đem những tấm bạt nilon cho người đến cầu nguyện mượn nằm nghỉ. Những người khá giả hơn thì phát cơm và nước uống miễn phí. Đội xe ôm tình nguyện nhận chở người già từ bến tàu trên sông Chao Phraya đến chùa của hoàng cung.
Năm ấy, tôi thấy những học trò của trường cấp ba cầm túi rác đi bộ trên sân Sanam Luang để dọn sạch không gian cho mọi người chờ đến giờ lễ vào mỗi buổi chiều. Thật tự nhiên, hầu hết người Thái dễ dàng chìa tay ra giúp đỡ người khác trong trật tự và tĩnh lặng khi điều đau thương xảy đến. Họ giải quyết cơn xúc động bằng sự bình tĩnh khiến du khách và người nước ngoài sống ở đây kinh ngạc.
Sống và qua lại làm việc vài năm giữa ở đất Thái, tôi chưa từng thấy họ dẫm đạp, ném lời ác độc vào nhau, chối bỏ nhau trong hoạn nạn.
Đến năm 2017, mười một bệnh viện ở nông thôn Thái Lan lâm vào cảnh khó khăn khi không đủ tiền trả lương y bác sĩ, thiếu chi phí hoạt động và cũng không thể chi trả cho thiết bị y tế. Khi ấy, ca sĩ nhạc rock nổi tiếng “Toon” của nhóm nhạc Body Slam tuyên bố anh sẽ chạy từ cực Nam đến cực Bắc Thái Lan để gây quỹ giúp những bệnh viện này. Lòng tốt của người Thái được nhìn thấy từ những ngư dân rất nghèo ở miền nam đến những tỷ phú giàu có trên suốt hơn 2.215 km chạy bộ của chàng ca sĩ. Nông dân miền quê nơi ca sĩ này chạy qua đóng góp từng đồng 10 baht bạc lẻ mà họ ki cóp được.
Cuối hành trình của “Toon” Body Slam, anh quyên góp được 33 triệu USD cho mười một bệnh viện, một con số mà chính anh cũng vô cùng bất ngờ. Sự đùm bọc và lòng thiện của người Thái khi ấy được nhiều hãng tin quốc tế mô tả là “vượt qua những chia rẽ chính trị” để hướng về người khó khăn.
Giờ đây, một lần nữa, cả thế giới lại đang dõi theo người Thái. Báo chí và mạng xã hội Thái Lan những ngày qua liên tục cập nhật tình trạng khẩn cấp của 12 em nhỏ và thầy giáo trong cuộc giải cứu ở hang Tham Luang. Và điều chúng ta đang thấy là hình ảnh đoàn kết hiếm hoi trong một nước Thái đầy chia rẽ về chính trị suốt nhiều năm qua.
Thầy giáo thành thật xin lỗi vì đẩy bọn trẻ vào hiểm nguy. Đám học trò thiếu niên không gào khóc hỗn loạn khi gặp các thợ lặn mà ngược lại, rất điềm tĩnh trấn an cha mẹ đừng lo lắng. Các phụ huynh, 12 gia đình đang mất ăn mất ngủ chờ đợi số mệnh như ngọn đèn trước gió của con mình nhưng vẫn nói những lời thiện lành. Không thấy sự đổ lỗi. Không có sự trách mắng hằn học hay thù địch. Không có những cuộc họp báo nhận trách nhiệm – hay đúng hơn là chối bỏ trách nhiệm – như ta thường gặp khi có thảm họa ở nhiều nước. Không có nhà trường nào vội vã lên tiếng rằng mình không liên quan gì đến vụ các em đi thám hiểm.
Toàn cảnh vụ việc, không có giành giật, chen lấy, đổ lỗi hay chửi bới nhau vì những động cơ cỏn con, muốn chứng tỏ mình tốt đẹp hơn người khác; hay muốn rũ bỏ trách nhiệm để khỏi phải dây dưa với điều không lành.
Và chúng ta đều thấy câu chuyện trong hang tối giúp tỏ rạng cung cách của người làm thầy, làm cha, làm mẹ, làm con. Trong và ngoài hang, họ nắm tay nhau hoặc tựa vào vai nhau, dù cầu nguyện hay khóc, nhưng trật tự và can trường. Họ hành động – bằng sinh mạng và cam kết – để giúp nhau vượt qua những giờ phút ngặt nghèo.
Đêm 8/7, cuộc giải cứu tiếp tục diễn ra và các thợ lặn đang đưa đội bóng luồn qua dòng nước hẹp để rời hang. Thế giới đang cầu nguyện cho bọn trẻ. Trong sâu thẳm bóng tối của hang động, hẳn các em cảm nhận được tình yêu thương từ những trái tim luôn hướng về các em, thành thật mong đợi toàn bộ đội bóng trở về.
Thật dễ dàng để tìm ra ai đó mắc lỗi và để đổ lỗi trong hoàn cảnh này. Nhưng giữa trận bão đầy tranh cãi, như mọi lần, tôi gặp lại sự bình tĩnh, vị tha và đùm bọc luôn hiện diện đâu đó trong đời sống bình thường của người Thái.
Khải Đơn