Hôm nay, nhiều trường đại học công bố đã điểm đầu vào. Cũng nghĩa là rất nhiều thí sinh sẽ rơi vào một tình huống, mà có thể là đáng sợ nhất trong tuổi trẻ vừa bắt đầu của họ: trượt đại học.
Tôi nhớ lại kỷ niệm đầu tiên với Đại học Stanford của mình. Tôi đã dành cả năm trời đầu tư tất cả công sức, thời gian, tiền bạc vào việc làm hồ sơ, nhưng rồi vẫn bị từ chối ở lần nộp đơn đầu tiên. Như những bạn chưa đầy 20 và thất bại đầu đời, tôi đã mặc cảm vì nghĩ rằng mình không đủ giỏi, thất vọng vì nghĩ rằng ước mơ của mình thế là tan tành, tức giận vì nghĩ rằng cuộc đời thật bất công.
Nhưng rồi tôi nhận ra rằng không học đại học ngay nghĩa là tôi có thời gian làm bất cứ điều gì mình muốn. Tôi xách ba lô lên, thử xem mình đi xa được đến đâu. Tôi gặp gỡ vô số người với cách nhìn và lối sống khác tôi, hiểu thêm về nhiều nền văn hoá, học thêm hai ngôn ngữ, hoàn thành cuốn sách đầu tay… Điều tôi học được trong quãng thời gian đó tuy khác với những gì Stanford dạy, nhưng quý giá chẳng kém gì.
Nhận ra rằng Stanford vẫn là điều tôi mong muốn, tôi tiếp tục nộp đơn lần hai và được nhận với niềm vui sướng. Sau này nghĩ lại, tôi thấy rằng ngôi trường đã cho tôi cơ hội thứ hai bởi bản thân tôi đã tự cho mình cơ hội đó trước.
“Nếu trượt đại học thì phải làm sao?” – một câu hỏi tuy phổ biến nhưng lại rất khác thường. Tôi ít thấy ai hỏi rằng nếu nấu cơm khê lần đầu thì có nên nấu cơm lại hay không, hay nếu thất tình lần đầu thì có nên yêu lại. Khi chúng ta thực sự muốn làm một điều gì, thất bại một hay hai lần sẽ không khiến ta bỏ cuộc.
Tương tự như vậy, nếu thực sự muốn học đại học, sau khi thi trượt một lần, bạn sẽ tiếp tục học để thi lại.
Nếu hỏi bất cứ ai cụm từ nào họ nghĩ đến đầu tiên khi nói đến thi đại học, hẳn nhiều người sẽ nói: “áp lực”. Sĩ tử học ngày học đêm, chạy sô từ lò luyện thi này tới lò khác. Không chỉ học sinh mất ăn mất ngủ mà phụ huynh cũng đứng ngồi không yên. Điểm thi của con có thể khiến cha mẹ mở mày mở mặt, nhưng cũng có thể là điều khiến họ cảm thấy bị “bôi gio trát trấu”.
Tuy nỗ lực là vậy, nhưng chỉ cần thi trượt một lần thôi, phần lớn sĩ tử sẵn sàng bỏ cuộc. Năm 2017, hơn 260 ngàn sĩ tử đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng không đạt được nguyện vọng. Nhưng năm 2018, chỉ có 53 ngàn thí sinh tự do đăng ký cho kỳ thi THPT quốc gia. Có 80% sĩ tử chọn cách không thi lại. Nếu chỉ thi trượt một lần mà đã có thể từ bỏ giấc mơ đại học thì rất có thể đó không phải là mong muốn thực sự của nhiều bạn trẻ.
Rất nhiều bạn trẻ bước chân vào kỳ thi đại học lần đầu tiên đơn giản chỉ là để “đỗ đại học”. Đỗ đại học để không bị bố mẹ mắng. Đỗ đại học để không xấu hổ với bạn bè. Đỗ đại học để có thể tiếp tục đi theo con đường đã được xã hội vạch sẵn ra cho mình, trì hoãn việc nghiêm túc suy nghĩ về một đường đời đúng đắn cho bản thân. Và như thế, việc trượt đại học lần đầu không hề là điều tồi tệ.
Trượt đại học không phải điều gì quá kinh khủng bởi thứ nhất, chúng ta đang sống trong một thế giới với vô số ví dụ rằng đại học không phải con đường duy nhất, càng không phải là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Không cần phải mượn đến hình ảnh những tỷ phú bỏ học trên thế giới, ở Việt Nam thôi, rất nhiều người thành đạt mà chưa từng vào đại học. Mở cửa hàng, học nghề đều có thể dẫn đến một cuộc sống ổn định. Chưa kể với những người ham học, thì Internet cho bạn vô số công cụ để theo đuổi sự nghiệp tự học.
Thứ hai, trượt đại học không biến bạn thành tội đồ. Bạn thi đại học vì bản thân bạn, không phải vì bố mẹ bạn hay bất cứ ai, nên không ai được quyền yêu cầu bạn phải đỗ đại học vì họ. Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà gia đình vẫn thất vọng vì bạn, bạn có thể thất vọng vì họ đã không yêu thương bạn một cách vô điều kiện.
Thứ ba, đỗ hay trượt đại học không làm thay đổi giá trị con người bạn. Bạn trước và sau khi biết điểm thi vẫn chỉ là bản thân mình. Bạn không thua kém bạn của bạn chỉ vì nó đậu, bạn trượt. Bạn là một con người đầy đủ và hoàn thiện, điểm số nào cũng không thể đo được giá trị đó.
Có bạn bảo với tôi: “Em mà trượt đại học em chẳng thiết sống nữa”. Con người chúng ta mạnh mẽ hơn mình nghĩ, và những người thành công là những người có đủ tự tin sử dụng sức mạnh đó.
Nếu bạn trượt đại học, bạn có thể dành một vài ngày để buồn, để suy nghĩ về những điều bạn có thể làm tốt hơn, để lên kế hoạch cho tương lai. Và sau đó, có rất nhiều lựa chọn cho bạn: thi lại năm tới, học một nghề, học các khoá học trực tuyến, tìm việc và đi làm, xách ba lô lên và đi, theo đuổi một dự án cá nhân, tham gia một câu lạc bộ, đọc thật nhiều sách, viết một cuốn sách, học một ngôn ngữ mới, làm tình nguyện viên, viết một ứng dụng trên điện thoại…
Biết đâu, mười năm nữa nhìn lại, rất có thể bạn sẽ cảm ơn cuộc đời đã cho bạn cơ hội trượt đại học.
Nguyễn Khánh Huyền