Mấy hôm nay, dư luận ồn ào về một ông Phó Trưởng phòng tại Hà Giang đã có gan nuốt búa, sửa điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 cho hơn 100 thí sinh.
Theo tính toán của cơ quan an ninh, ông phó phòng này chỉ mất 6 giây để chỉnh sửa hoàn thiện điểm thi đẹp như mơ cho một thí sinh. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được tăng tới 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Một ông Phó phòng có thể giúp thí sinh tăng gần 30 điểm. Đó là điều mà bất cứ người bình thường nào cũng không thể nghĩ ra được. Nhưng người trong ngành lại nghĩ khác. Từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, ông Quách Tuấn Ngọc, đây là chuyện không lạ, không quá ngạc nhiên. “Có điều, trường hợp tại Hà Giang đã làm quá trắng trợn ở quy mô công nghiệp nên mới bị lộ”. Theo ông Ngọc, nếu chỉ nâng 1-2 điểm cho vài thí sinh thì không thể phát hiện ra.
Tuy nhiên, ngẫm lại, có lẽ cuộc thi này không phải là cuộc thi duy nhất bị sửa điểm. Trong cuộc đời mình, những cuộc đua mà tôi thường chứng kiến kết quả kinh ngạc nhất là những cuộc đua nơi công sở. Đó là cuộc đua kiểu quy hoạch cán bộ mà tiêu chí “điểm cao” không rành mạch, rõ ràng như 9 Văn, 10 Toán. Những cuộc đua ấy, không có file Excel sao lưu, đĩa CD gửi về Bộ chuyên ngành. Kết quả thi cũng không được công bố rộng rãi trên báo chí. Cũng chẳng có quy chế rõ ràng về việc giám sát quy trình cũng như những người trúng tuyển.
Ngày xưa, khi còn ở một cơ quan Nhà nước thuộc diện có xe biển 80, có trụ sở được tính toán theo mét vuông dành cho các chức danh, tôi cũng cố gắng phấn đấu để được vào quy hoạch. Quy hoạch đó là quy hoạch cấp phó phòng cho nhiệm kỳ sau, quy hoạch xa. Hầu như mọi người đều nghĩ khi tôi đủ thâm niên làm việc trong biên chế tại cơ quan thì sẽ “tự động” được bổ nhiệm chức danh vì có bằng chính quy, hoàn thành nhiệm vụ lại “trong quy hoạch”.
Nhưng ở ơ quan nhà nước thì chuyện không hề dễ dàng. Tôi bỗng thấy thái độ của ông Phó phụ trách tổ chức cứ xa dần. Đầu tiên là chào không đáp, rồi lạnh nhạt trong giao tiếp. Tuổi trẻ, tôi cũng chỉ nghĩ là chú bận việc. Cho đến khi trong một cuộc họp, ông Phó chỉ mặt tôi: “Ông Tú hô chào cờ giọng eo éo như thế là thế nào?”. Sau đó là vài câu đùa thô lỗ, là tràng cười ha hả của cán bộ, đồng nghiệp bên dưới. Lúc đó tôi biết, mình đã bị loại ra khỏi cuộc đua.
Mấy tháng sau, một cán bộ khác được bổ nhiệm vào chức danh đó. Lý do được nói một cách không công khai: bố của người đồng nghiệp đó từng là cục trưởng.
Câu chuyện của tôi chỉ là sự tự chắp nối các mẩu thông tin của người trong cuộc. Tự tôi biết rằng cái ẩn ức mình mang khi ấy có thể không chính đáng, chẳng vẻ vang gì khi phải than van. Có thể tôi kém chuyên môn mà ảo tưởng. Có thể người bạn tôi là nhân tài đích thực. Nhưng tôi vẫn buộc phải mang những ký ức đó, dù nhiều năm đã qua đi, dù bây giờ cũng có một vị trí đủ hài lòng chẳng có gì phải tiếc nuối cái quy hoạch khi xưa. Lý do: sẽ không bao giờ tôi biết được “điểm thi” thật của mình. Chuyện quy hoạch là thế.
Hãy nhớ trường hợp của bà Quỳnh Anh – người có quan lộ thần tốc đến kinh ngạc: Từ nhân viên tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, người phụ nữ này chỉ mất 6 năm để leo lên chức Trưởng phòng, Đảng ủy viên Sở Xây dựng Thanh Hóa và được quy hoạch Phó giám đốc sở phụ trách lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng.
Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới phát hiện sự “nâng đỡ không trong sáng” của 2 quan chức tỉnh Thanh trong một quá trình “vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước”.
Rồi câu chuyện bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư ở Quảng Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu, ông Lê Phước Thanh nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo – là con trai của ông – giữ nhiều chức vụ từ Trưởng phòng đến Giám đốc mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục. Ông Thanh cũng để UBND tỉnh quyết định cử con trai mình đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.
Đó không gì khác chính là những cuộc “sửa điểm” tinh tế, trong một cuộc thi mà kết quả của nó không chỉ là sự bất công với một thí sinh, mà là sự bất công dành cho hàng trăm nghìn, hàng triệu người dân dưới sự quản lý của “thí sinh được sửa điểm”. Và đáng ngại nhất, là cơ chế đối soát của những cuộc thi ấy kém hơn rất nhiều so với thi tốt nghiệp THPT.
Công tác cán bộ, công tác quy hoạch từ lâu được coi như một “khu vườn cấm” trong các công sở. Từ khi có chủ trương thi tuyển lãnh đạo cũng có dư luận về việc những người không đủ tiêu chuẩn, chưa có quy hoạch được đàng hoàng ngồi lên ghế cao sau một động thái được gọi là tìm kiếm nhân tài.
Nhưng không hẳn là không có những cán bộ “đột nhiên được bổ nhiệm” dù chưa thể hiện được bất cứ ưu thế, tài năng nào trong hoạt động của cơ quan. Những câu chuyện “đồng chí này là con đồng chí nào” vẫn được kể đâu đó trong bàn trà, lúc giải lao nhưng không hề có trong các bản báo cáo.
Còn bao nhiêu ông Vũ Trọng Lương đang tay lam tay làm, trong công tác khảo thí của những cuộc thi đầy hệ trọng với nhân dân?
Và cái hành vi “sửa điểm” ấy, là chuyện của ngành giáo dục, hay là một dạng văn hóa đại chúng trong những cuộc cạnh tranh mọi lĩnh vực ở nước mình?
Trần Anh Tú