Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã CK: VPB) vừa công bố số liệu kinh doanh trong quý II và nửa đầu năm 2018. Theo đó, nhà băng này ghi nhận hơn 14.500 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng 34%. Theo kế hoạch ban đầu, VPBank đặt mục tiêu lãi 10.800 tỷ đồng năm 2018.
Đóng góp lớn nhất vào kết quả của VPBank là sự gia tăng của thu nhập từ lãi, hoạt động khác và chi phí hoạt động tăng thấp hơn tốc độ tăng của tổng thu nhập. Trong nửa đầu năm 2018, VPBank đạt gần 12.200 tỷ thu nhập lãi thuần, tăng 27% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng gấp đôi lên 1.575 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng này chỉ tăng hơn 16% lên gần 4.700 đồng.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank, ngân hàng là một trong những đơn vị có tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống khi tiếp tục giảm so với năm trước, từ mức 35,5% trong quý cuối năm 2017 xuống 32,3% trong nửa đầu năm 2018. Nhờ vậy, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của VPBank (NIM) tăng lên 9,42% trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, sau 6 tháng, VPBank mới hoàn thành 41% kế hoạch năm, một phần nguyên nhân do hoạt động của FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng của VPBank, không đạt tỷ lệ cao như trước.
Trong nửa đầu năm, FE Credit đóng góp dưới 40% tổng lợi nhuận trước thuế của VPBank, thấp hơn tỷ lệ đóng góp 50% trong những năm tăng trưởng cao gần đây. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của công ty này cũng chỉ đạt khoảng 4%, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của VPBank.
Theo Tổng giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose, lý do của sự sụt giảm là việc chấn chỉnh hoạt động đi theo hướng chất lượng. FE Credit đã gặp phải một số phàn nàn của khách hàng về sự thiếu công bằng trong công tác thu hồi nợ. Điều này khiến công ty phải điều chỉnh một số tiêu chí hoạt động cho phù hợp với thị trường.
Tổng giám đốc FE Credit cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của công ty tài chính này không được như mong muốn còn do một vấn đề khác là đội ngũ thu hồi nợ thiếu hụt. “Giai đoạn đầu năm 2018 chúng tôi bị mất nhân sự thu hồi nợ, nhiều công ty đối thủ của FE Credit đã kéo đi số nhân sự này khiến số khoản nợ trên mỗi cán bộ thu hồi nợ của FE Credit tăng vọt”, Tổng giám đốc FE Credit chia sẻ.
Theo ông, ở thời điểm thiếu hụt nhân sự như tháng 2, mỗi nhân viên thu hồi nợ của FE Credit phải chịu trách nhiệm cho 1.077 khoản nợ. Con số này cũng mới giảm về 888 khoản nợ trên mỗi nhân viên sau 3 tháng, tuy nhiên vẫn là áp lực lớn lên hoạt động.
Đây cũng là lý do khiến nợ xấu của FE Credit tăng lên so với cuối năm 2017. Theo số liệu đến cuối quý II/2018, tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính đạt khoảng 6,5%, khiến tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank vượt 4%. Tuy nhiên, điểm tích cực với FE Credit là tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) chỉ ở khoảng 5% và tỷ lệ khách hàng tăng thêm vẫn được duy trì ở tốc độ cao.
Theo Tổng giám đốc FE Credit, công ty này đặt mục tiêu có 4,9 triệu hợp đồng mới trong năm 2018, so với con số 3,7 triệu hợp đồng năm 2017. Lợi nhuận dự kiến của FE Credit đến cuối năm đạt khoảng 4.800 tỷ đồng với số lượng khách hàng tăng 33% so với năm trước.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết, việc FE Credit đi chậm lại do định hướng tăng cường và phát triển nội tại của ngân hàng cũng như công ty tài chính này, hơn là đánh đổi lấy tăng trưởng nhanh.
Trước câu hỏi về việc FE Credit tăng chậm hơn dự kiến ảnh hưởng đến kế hoạch cả năm của VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng ngân hàng sẽ không điều chỉnh kế hoạch khi vẫn có những điểm sáng ở các mặt hoạt động khác.
“Sự đóng góp của FE Credit giảm xuống cho thấy vai trò của VPBank đang tăng lên, và dần khẳng định là một ngân hàng đa năng trong nhóm dẫn đầu. Bản thân hoạt động ngân hàng cũng còn nhiều điểm sáng khác để bù lại như hoạt động ngân hàng cốt lõi và các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động bán lẻ, hoạt động liên kết với bảo hiểm AIA…”, Tổng giám đốc VPBank nói. Ông khẳng định kế hoạch 10.800 tỷ lợi nhuận cả năm vẫn được giữ nguyên.
Minh Sơn