Những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng khiến nhiều người thiệt mạng ở nước ta hầu như có cùng một nguyên nhân: tài xế buồn ngủ hoặc ngủ gật. Thật vậy, tài xế xe khách, xe khách hợp đồng thường bị áp lực về thời gian nên họ thường thiếu ngủ, hoặc ngủ không đầy đủ.
Nếu vào ban đêm, đường vắng, các tài xế thường đạp ga với tốc độ bạt mạng. Những ai từng đi xe đêm đều có thể trải qua cảm giác hoảng sợ khi tài xế không ngừng phóng xe với tốc độ cao. Nếu họ lơ là trong phút chốc, tai nạn xảy ra là điều có thể, và kéo theo đó là bi kịch đến với nhiều gia đình nếu có thương vong.
Tôi để ý thấy trên các đường cao tốc ở nước ngoài, họ đều cho gắn biển với nội dung: “Tiredness can kill, Take a break” (tạm dịch: mệt mỏi có thể giết chết bạn, hãy giải lao) để cảnh báo các tài xế nên nghỉ ngơi, nếu đã mệt mỏi.
Ở ta, một số Sở Giao thông đã có quy định các tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ và thời gian làm việc quá 10 giờ trong ngày; đồng thời có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho lái xe. Tuy nhiên nhưng tai nạn thảm khốc vì các bác tài buồn ngủ vẫn xảy ra.
Vậy chế độ nghỉ ngơi của các tài xế đã được thực sự quan tâm chưa? Nhà chức trách đã phát hiện bao nhiêu trường hợp buồn ngủ mà vẫn lái xe? Và đã phạt được bao nhiêu trường hợp?
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, xem nó là mối đe dọa cho nhiều người tham gia giao thông ngang bằng với uống rượu bia mà vẫn lái xe.
Tại sao có nhiều bảng hiệu, áp phích “Không uống rượu bia khi tham gia giao thông” mà vẫn chưa có “Hãy ngủ đủ giấc trước khi lái xe?”
>> Chia sẻ bài viết của bạn .