Sau cơn mưa rào lúc chạng vạng, đường Ngô Văn Sở (Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trở nên nhếch nhác. Thấp thoáng trong quán ăn đông nghịt, có một cậu bé gầy gò ôm thùng giấy đã ướt nhèm đi quyên góp từ thiện.
15 phút trước cậu đến bàn trong góc xin quyên góp, 15 phút sau lại đến chiếc bàn đó để xin. Hỏi ra mới biết, cậu bé này bị suy giảm trí tuệ bẩm sinh, trí nhớ không được ổn định.
“Chào anh chị, em đang quyên góp tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…”, giọng nói ngọng nghịu, cậu đến từng bàn ăn, có người lắc đầu, cũng có người bỏ ra vài ba phút nghe kể về những trường hợp cần giúp đỡ.
Thịnh ôm chiếc thùng giấy đến từng bàn giới thiệu về hoàn cảnh người mình đang muốn giúp đỡ. Thường cậu vừa nhặt ve chai, vừa đi kêu gọi thì khoảng 3 ngày là gom được 3 triệu đồng, mỗi tuần sẽ tổ chức hai buổi phát quà. |
Năm nay 17 tuổi, Đỗ Văn Thịnh thậm chí còn quên cả đường về nhà. “Em nhớ được mặt người, nhưng không nhớ gặp họ ở đâu, nhớ được những chuyện cách đó vài tháng, vài năm, nhưng không nhớ chuyện vài phút trước”, Thịnh nói.
Ông Đỗ Văn Khương (45 tuổi, ba của Thịnh) chia sẻ, IQ của Thịnh thấp hơn người bình thường, em cũng không có sức lực tốt như người khác. Ngày nhỏ Thịnh cũng đi học, nhưng đến năm 11 tuổi, bệnh trầm trọng hơn.
“Ai nói gì xong, vài phút sau Thịnh ngơ ngác hỏi lại. Dù bắt chuyện rất nhanh, nhưng nhớ được điều gì quá 5 phút đã là một kỳ tích với em nó”, ông Khương chia sẻ.
Thịnh gặp nhiều khó khăn trong học tập, em không thể nhớ được mặt chữ và các con số. Đến cuối năm 2014, Thịnh xin ba cho nghỉ học để đi nhặt ve chai kiếm tiền.
Nhà nghèo, đồ đạc không có nhiều, vậy mà không ít lần vì quên, Thịnh làm mất tài sản. “Nhiều lần điện thoại được người ta cho, em nó để quên ở giỏ xe đạp bị lấy mất. Còn có lần để xe đạp ven biển đi nhặt ve chai rồi không nhớ mình để ở đâu, mất xe, Thịnh phải đi bộ hơn 10 cây số để về nhà”, ông Khương cho biết.
Trong căn phòng tối om và loang lổ nằm sâu trong con hẻm ở đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu, Thịnh ngồi đọc những cuốn kinh Phật nhàu nát. Em rất chuyên tâm và dường như thoát tục. Ấy thế, ba của Thịnh nói “Em nó đọc vì thích vậy thôi chứ có nhớ gì đâu, đọc xong là quên hết”.
Đi chùa niệm Phật từ năm 2011, Thịnh biết đến những CLB thiện nguyện và đi theo để học hỏi. Ba năm sau, Thịnh đã biết tự kêu gọi quyên góp cho hoạt động của mình. Từ những ngôi nhà tình thương đến các bệnh viện ở trong thành phố, nơi nào cũng có dấu chân của cậu đi qua.
Không chỉ IQ, mà cả sức khỏe của Thịnh cũng rất kém. Dù thế ngày nào cậu cũng đi nhặt ve chai về bán, vừa để phụ giúp cha, vừa làm từ thiện. |
Dáng gầy nhom, những ngón tay lèo khoèo không buột chắc được bao tải ve chai lên xe, nhưng cậu bé ấy vẫn cố chất lên chở 3-4 bao kềnh càng trên chiếc xe cũ. Vì “não cá vàng” mà có lần Thịnh mua đường, sữa làm từ thiện, nhà chật chội nên em gửi lại nơi khác, nhưng rồi không nhớ đã gửi cho ai. Đến khi có người nhắc thì đã hết hạn, bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể.
Bà Nguyễn Thị Hà (45 tuổi, ngụ đường Âu Cơ) chia sẻ: “Thật sự thấy em nó tội lắm, nên cứ thành thói quen, có vỏ chai, sắt vụn lại gói để sẵn. Thằng bé trí tuệ kém vậy chứ chẳng bao giờ thấy em nó buồn, ngang qua là hát hò, cười nói suốt”.
Một ngày của Thịnh bắt đầu bằng việc đi nhặt vỏ chai. Cậu kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, một nửa đưa ba đi chợ, một nửa để vào quỹ từ thiện. Để có thêm tiền duy trì quỹ của mình, từ chiều tối cậu tự đi đến các hàng quán xin quyên góp.
Tối gần đây nhất, Thịnh mua 300 chiếc bánh mỳ và 300 hộp sữa rồi đạp xe đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Cậu tươi cười đến từng phòng phát bánh mỳ và sữa cho bệnh nhân. 11 tầng, hơn 100 phòng bệnh, Thịnh đi phát quà không thiếu phòng nào.
“Hôm nay mệt không con, chắc đi cả ngày rồi”, khắp hành lang bệnh viện là những lời hỏi thăm và cảm ơn đến Thịnh. Nhận phần quà nhỏ, mọi người đáp lại cậu những nụ cười rưng rưng.
Suốt đoạn đường về nhà, Thịnh cứ nhắc lại điều làm em tiếc nuối “Em quên 4 hộp sữa ở nhà, phát thiếu cho 2 người cũng vì quên”.
Một buổi tối phát 300 bánh mỳ và 300 hộp sữa của Thịnh tại Bệnh viện Ung Bướu. Các bệnh nhân ở đây đã quá quen mặt em. |
Trong bốn năm qua, những đồng tiền bán ve chai và kêu gọi ủng hộ đã giúp Thịnh tổ chức được khoảng 300 buổi phát đồ ăn như thế. Cậu bày tỏ: “Em chỉ mong muốn duy nhất, ngày nào đó em sẽ được thành lập một câu lạc bộ thiện nguyện của riêng mình, được chính quyền địa phương cấp phép để em không còn bị những cái xua tay từ mọi người khi em đi quyên góp”.
Làm nghề lái xe tải, từ khi ly hôn, ông Khương không đi làm xa và chấp nhận làm ít đi để có thời gian chăm sóc Thịnh và con trai út năm nay 12 tuổi. “Có bữa hai đứa nấu ăn, đổ nhiều dầu ăn quá, lửa bén cao, suýt cháy nhà. Tôi lo, từ đó không dám đi làm xa, để có gì bất trắc còn chạy về”, ông nói.
Ba của Thịnh cứ chực rớt nước mắt khi nghĩ đến tương lai của con trai. Tuổi thơ của Thịnh bị không ít bạn bè trêu chọc, ông chỉ mong sau này xã hội đừng chèn ép và xô đẩy em, để em có được một cuộc sống bình an.
Bài và ảnh: Trọng Nghĩa