Sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội đã chất vấn về công tác quản lý và sử dụng nhà chung cư. Nhiều vấn đề liên quan đến diện tích chung riêng, quỹ bảo trì, phí vận hành, ban quản trị… được các đại biểu nêu câu hỏi.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng nhiều nơi đang bùng phát tình trạng tranh chấp của người dân sinh sống tại các khu chung cư. Trong đó có mâu thuẫn giữa Ban quản trị và cư dân xung quanh việc quản lý tòa nhà, dẫn đến cư dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra ở nhiều toà nhà. Ảnh: Hoài Thu. |
“Có hiện tượng căng băng rôn, đơn thư gay gắt. Điển hình như vụ việc ở chung cư Victoria ở Hà Đông. Để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm của Ban quản trị chung cư, của chính quyền địa phương (UBND quận Hà Đông) như thế nào?”, ông Bình đặt câu hỏi.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng thừa nhận trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư đã xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với Ban quản trị, giữa Ban quản trị với người dân. Đặc biệt là trường hợp của toà chung cư Victoria ở khu đô thị Văn Phú Invest.
Theo ông Phụng, trong vụ việc phức tạp ở chung cư Victoria, chủ đầu tư đã bàn giao 100% quỹ bảo trì cho Ban quan trị. Tuy nhiên cư dân cho rằng Ban quản trị không minh bạch trong quản lý tài chính, năng lực quản lý yếu kém. Vì vậy, người dân đã tập hợp 775 chữ ký vào đơn kiến nghị thay thế Ban quản trị.
“UBND quận chỉ đạo phường và các phòng ban liên quan có 5 buổi làm việc với Ban quản trị và cư dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ngày 1/6 vừa qua, người dân đã tập trung phản đối Ban quản trị với băng rôn, khẩu hiệu. Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết, trong tháng 7 sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để lấy tín nhiệm của cư dân xem có thay thế Ban quản trị hay không”, ông Phụng thông tin.
Lãnh đạo quận Hà Đông cũng nêu thực tế, hiện không ít người dân sinh sống tại các nhà chung cư chưa mặn mà với Hội nghị nhà chung cư. Theo quy định, phải có 75% hộ tham dự họp mới đủ điều kiện bầu ra Ban quản trị, nhưng nhiều toà nhà không đảm bảo được con số này.
Phòng cháy ở nhà tái định cư vẫn “giậm chân tại chỗ”?
Đại biểu Duy Hoàng Dương nêu câu hỏi, hiện trên địa bàn thành phố còn bao nhiêu công trình chung cư không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đồng thời đề nghị nêu trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Hà Nội có 688 (cụm, toà) nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Trần Quang. |
Giám đốc Sở cảnh sát PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, trong số 79 chung cư vi phạm PCCC mà thành phố công bố năm trước hiện đã có 55 công trình khắc phục và được nghiệm thu; các công trình khác đang tích cực khắc phục, trong đó có nhiều công trình đạt tiến độ 70%.
Đối với 5 công trình có biểu hiện chây ì, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ chuyển công an; trước đó đã chuyển cơ quan điều tra 3 công trình. Liên quan đến PCCC tại các toà nhà tái định cư, tướng Định cho hay đơn vị liên quan đang hoàn thiện các thủ tục để đầu tư khắc phục bất cập.
Trưởng Ban pháp chế Nguyễn Hoài Nam tranh luận, việc khắc phục PCCC tại tòa nhà tái định cư đã được nêu tại phiên chất vấn năm 2015, ngay sau đó thành phố có văn bản về vấn đề này. Nhưng từ năm 2015 đến nay việc khắc phục vẫn giẫm chân tại chỗ, cứ trước mỗi kỳ họp, UBND TP lại có văn bản thúc giục. Trách nhiệm chậm khắc phục PCCC tại tòa nhà tái định cư của ai?
Cũng tranh luận về PCCC, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Nguyễn Thanh Mai đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước trong việc đưa ra các phương án PCCC tại các toà nhà không có khả năng khắc phục bất cập…
Tuy nhiên chủ toạ thông báo, do hết thời gian chất vấn dành cho nội dung trên nên các câu hỏi của đại biểu sẽ được trả lời bằng văn bản.
“Thành phố sẽ làm hết trách nhiệm”
Thay mặt lãnh đạo UBND TP làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho hay, ông đã sống ở chung cư hơn 10 năm qua nên “hiểu được trách nhiệm của chủ đầu tư, cư dân”.
Ông Hùng cho rằng, trách nhiệm của người dân sống trong chung cư rất lớn vì đây là “nơi có nhiều cái chung mà ít cái riêng”. Nếu cư dân không xác định được trách nhiệm thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn với chủ đầu tư.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Lộc Chung. |
Lãnh đạo thành phố cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý chung cư, vừa qua HĐND cùng MTTQ thành phố đã tổ chức giám sát và tổ chức tiếp xúc tất cả cử tri các quận, huyện có chung cư thương mại, nhà tái định cư, nhà ở xã hội.
Để làm tốt công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, Phó chủ tịch Hà Nội nêu ra một số giải pháp cụ thể như tăng cường quản lý chủ đầu tư từ lập dự án, xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng; vận động người dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân khi sống trong chung cư…
“UBND thành phố thấy phải tiếp tục giải quyết những tồn tại, rà soát văn bản và kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, cá nhân cố tình vi phạm”, ông Hùng nói.
Thống kế đến hết năm 2017, Hà Nội có 688 (cụm, toà) nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Tổng số căn hộ là trên 152.000 căn, diện tích sử dụng là 10 triệu m2. 180 tòa nhà chung cư tái định cư đã được đưa vào sử dụng. Với tổng số căn hộ là gần 17.000 căn. Tổng diện tích sử dụng trên 1 triệu m2 (trong đó có 12 tòa nhà thương mại có căn hộ tái định xen lẫn căn hộ thương mại). |
Võ Hải