Các tàu chiến tham gia RIMPAC 2012. Ảnh: US Navy. |
“Hải quân Việt Nam đã cử đoàn sĩ quan tới góp mặt trong nội dung diễn tập Sở chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo – giảm nhẹ thiên tai. Tôi nghĩ việc mời Việt Nam tới tập trận là một điều tốt, thật tuyệt vời khi Hải quân Việt Nam tham gia RIMPAC năm nay”, phó đô đốc John D. Alexander, tư lệnh Hạm đội 3 hải quân Mỹ, cho biết trong cuộc trao đổi với VnExpress. Phó đô đốc Alexander đóng vai trò tư lệnh Lực lượng tác chiến liên hợp (CTF), gồm toàn bộ các tàu chiến, máy bay và đơn vị bộ binh góp mặt trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.
Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 26/8 đã cử 8 sĩ quan tham mưu tới đảo Hawaii để tham gia cuộc tập trận, nhằm tăng cường giao lưu, nâng cao khả năng hợp tác, phối hợp giải quyết các vấn đề về hỗ trợ nhân đạo – giảm nhẹ thiên tai và cứu hộ cứu nạn trên biển, thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Đây cũng là dịp để Hải quân Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và phát triển năng lực, tiến tới đăng cai tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc phòng khi Việt Nam đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Ngoài việc hoan nghênh Việt Nam tham gia RIMPAC 2018, phó đô đốc Alexander cũng nhắc tới chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson hồi tháng 3, đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam trong hơn 40 năm. Đây được coi là một trong những sự kiện giúp tăng cường quan hệ hợp tác quân sự Việt – Mỹ trong thời gian qua.
Trong cuộc họp báo, phó đô đốc Alexander cho biết bộ chỉ huy CTF có sự góp mặt của các sĩ quan tới từ nhiều quốc gia, gồm chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie của hải quân Canada với vai trò phó tư lệnh CTF. Chuẩn đô đốc Hideyuki Oban thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đứng đầu hoạt động diễn tập cứu trợ nhân đạo – phòng chống thảm họa, trong khi thiếu tướng thủy quân lục chiến Mỹ Mark Hashimoto chỉ huy lực lượng tác chiến đổ bộ.
Nhóm 52 tàu chiến các loại sẽ nằm dưới quyền chuẩn đô đốc Pablo Niemann tới từ hải quân Chile, thiếu tướng Craig Heap của không quân Australia chịu trách nhiệm cho lực lượng phi cơ tại RIMPAC 2018. Chile là quốc gia đầu tiên ngoài nhóm thành viên sáng lập RIMPAC được tham gia bộ chỉ huy cuộc tập trận này.
Chỉ huy CTF khẳng định RIMPAC đã phát triển và mở rộng về mặt quy mô trong thời gian qua. Vào năm 2008, cuộc tập trận này chỉ có 10 nước tham gia. Con số này đã tăng lên 26 nước sau 10 năm và dự kiến chạm mốc 30 quốc gia tại RIMPAC 2020.
Tàu chiến Philippines tới Trân Châu Cảng hôm 27/6. Ảnh: US Navy. |
Ecuador và Thổ Nhĩ Kỳ năm nay xuất hiện với tư cách quan sát viên, nhằm chuẩn bị cho việc tham gia hoạt động tập trận trong những kỳ RIMPAC tiếp theo. Malaysia và Philippines lần đầu cử tàu chiến tới tham gia các nội dung tác chiến trên biển.
Trong khuôn khổ tập trận, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản sẽ phóng các tên lửa bờ đối hải, mô phỏng hoạt động phòng thủ bờ biển. Lục quân Mỹ sẽ triển khai các tên lửa diệt hạm NSM do Na Uy sản xuất, trong khi không quân Mỹ lần đầu phóng thử tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM.
“Điều chúng ta cần nhớ là RIMPAC phục vụ mục đích xây dựng các mối quan hệ. Chúng ta hợp tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè để duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, phó đô đốc Alexander phát biểu.
RIMPAC 2018 bắt đầu ngày 27/6 tại vùng biển ngoài khơi Hawaii và miền nam bang California, Mỹ. Cuộc tập trận sẽ kéo dài 6 ngày với sự tham gia của 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, 18 đơn vị bộ binh và hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần.
Ngoài Việt Nam, một số nước nay nay cũng lần đầu tham gia RIMPAC gồm Sri Lanka, Brazil và Israel. Trước đó, Việt Nam từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012. Lầu Năm Góc đã hủy lời mời Trung Quốc tới RIMPAC năm nay nhằm phản đối hoạt động quân sự hóa trái phép của nước này trên Biển Đông.