‘Đội quân đồ tể’ tàn bạo của phát xít Đức trong Thế chiến II

Oskar Dirlewanger (ngoài cùng bên trái) và ban chỉ huy đơn vị đặc nhiệm. Ảnh: Wikipedia.

Oskar Dirlewanger (ngoài cùng bên trái) và ban chỉ huy đơn vị đặc nhiệm. Ảnh: Wikipedia.

Trong những năm đầu Thế chiến II, trùm phát xít Đức Adolf Hitler muốn thành lập một đơn vị với thành phần toàn những tên tội phạm, tin rằng chúng sẽ có hữu ích trong chiến tranh. Kết quả là sự xuất hiện của Sư đoàn bộ binh số 36 SS, đơn vị khét tiếng với hàng loạt tội ác chiến tranh nhằm vào dân thường ở Mặt trận phía Đông, theo War History.

Ngày 14/6/1940, tiền thân của sư đoàn này được thành lập ở thị trấn Oranienburg, sau khi Hitler ân xá những kẻ bị kết tội săn bắn trái phép ở Bavaria và Áo. Ông trùm phát xít muốn tận dụng kỹ năng săn bắn của chúng để truy lùng các nhóm du kích ở lãnh thổ chiếm được.

Chỉ huy của đơn vị là Oskar Dirlewanger, kẻ được giới sử gia coi là sĩ quan biến thái và bạo lực nhất phát xít Đức.

Bản thân Dirlewanger là một tên tội phạm nhiều lần bị bắt vì hành vi bạo lực và cưỡng hiếp. Năm 1934, hắn phải ngồi tù hai năm vì hiếp dâm một thiếu nữ 14 tuổi, ăn cắp ôtô và gây tai nạn do lái xe trong tình trạng say xỉn. Sau khi được thả, Dirlewanger sớm bị bắt lại vì tội tấn công tình dục.

Hắn bị chuyển đến một trại tập trung nhưng sớm được thả nhờ quan hệ cá nhân. Do từng là cựu binh Thế chiến I, Dirlewanger tình nguyện tham gia phe của tướng Franco trong nội chiến Tây Ban Nha, hy vọng việc này sẽ giúp hắn được trở lại đảng Quốc xã. Những hành động tàn ác của Dirlewanger trong cuộc chiến này đã thu hút sự chú ý của Hitler.

Trong mắt ông trùm phát xít, Dirlewanger là lựa chọn hoàn hảo cho vị trí lãnh đạo đơn vị tội phạm, bởi hắn hội tụ đầy đủ tố chất điên cuồng, biến thái và hung ác. Một số chỉ huy SS phản đối mạnh mẽ việc sử dụng tội phạm trong chiến tranh vì họ tự coi mình là lực lượng tinh nhuệ, không muốn chứa chấp những kẻ sát nhân, trộm cắp và hiếp dâm.

Tuy nhiên, Dirlewanger và 55 tên tội phạm vẫn được triển khai đến Ba Lan để săn lùng quân kháng chiến.

Đơn vị này sớm được bổ sung thêm ba sĩ quan SS từng có tiền án cùng 30 lính tân binh và mang tên gọi mới là “Đội săn đầu người Oranienburg”. Hitler sau đó đặt đơn vị dưới quyền kiểm soát của SS nhưng không thuộc tổ chức biên chế của lực lượng này, khiến nó còn được gọi là “Đơn vị đặc nhiệm Dirlewanger”.

Đơn vị Dirlewanger ở Warsaw năm 1944. Ảnh: Wikipedia.

Đơn vị Dirlewanger ở Warsaw năm 1944. Ảnh: Wikipedia.

Tại Ba Lan, quân số đơn vị tăng lên 300 người, đa phần là những tên tội phạm giết người hoặc bị coi là tâm thần. Quyết định này gây tranh cãi ngay từ đầu, nhưng không ai có thể ngăn cản Hitler vì ông trùm ủng hộ sự tàn bạo của đơn vị Dirlewanger.

Sự tàn bạo bắt đầu khi chúng làm nhiệm vụ canh gác ở khu tập trung Lubin, Ba Lan năm 1940, nơi có nhiều báo cáo cho thấy binh sĩ hãm hiếp, giết người, cướp phá, đánh đập và thực hiện nhiều hành vi tội phạm khác. Fiedrich Wilhelm Kruger, cảnh sát trưởng khu Lubin, nhiều lần kêu gọi chấm dứt hoạt động của đơn vị này khi chứng kiến sự dã man của chúng. Tuy nhiên, chính Kruger lại bị thuyên chuyển tới Belarus.

Năm 1941, đơn vị Dirlewwanger trực tiếp xóa sổ hàng nghìn ngôi làng quanh thành phố Lubin, Ba Lan để lấy chỗ cho người Đức. Khu vực này về sau trở thành trại tập trung của lực lượng Waffen SS. Khi kết thúc nhiệm vụ ở Ba Lan, đơn vị Dirlewanger chuyển đến Belarus.

Hitler sử dụng đơn vị này để dằn mặt quân kháng chiến, thay vì trực tiếp chiến đấu với họ. Các phần tử phát xít người Nga và Ukraine nhanh chóng gia nhập lực lượng này khi chúng tới Mặt trận phía Đông.

Tại Belarus, chúng xua người dân vào nhà thờ và nhà kho lớn rồi phóng hỏa. Các khẩu súng máy được bố trí trước tòa nhà để bắn hạ những người tìm cách thoát khỏi đám cháy.

Đến năm 1943, Đơn vị đặc biệt Dirlewanger được nâng cấp thành một trung đoàn. Chúng nhiều lần giao tranh với Hồng quân Liên Xô và chịu nhiều thương vong do không được huấn luyện bài bản, mà chỉ là những tên đồ tể chuyên sát hại dân thường. Chúng hoàn toàn không có kỷ luật và thường xuyên tự ý hành động.

Nạn nhân trong cuộc thảm sát Wola. Ảnh: Wikipedia.

Nạn nhân trong cuộc thảm sát Wola. Ảnh: Wikipedia.

Khi phong trào nổi dậy Warsaw diễn ra tháng 8/1944, Dirlewanger và đơn vị của hắn được điều đến Kaminski để đàn áp. Chúng được Hitler bật đèn xanh để giết người, cướp của và hãm hiếp. Đây là đơn vị đã gây ra vụ thảm sát Wola, nơi 500 trẻ em thiệt mạng bởi lưỡi lê và báng súng. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 8, 40.000 dân thường ở Wola đã bị sát hại, trong đó toàn bộ bệnh nhân và nhân viên bệnh viện thành phố bị thảm sát theo những cách tàn bạo nhất.

Tuy nhiên, bản thân Dirlewanger không phải chỉ huy quân sự giỏi, khiến đơn vị của hắn mất tới 2.733 người trong chiến dịch tại Warsaw, chiếm hơn 2/3 quân số.

Đơn vị Dirlewanger sau đó được bổ sung quân số lên đến 4.000 người, triển khai đến đàn áp phong trào nổi dậy ở Slovakia và Hungary năm 1944. Tại những nơi này, chúng đều thể hiện sự tàn bạo đặc trưng.

Năm 1945, đơn vị Dirlewanger chuyển đổi thành một sư đoàn bộ binh tham gia phòng thủ Berlin nhưng nhanh chóng hứng chịu thất bại thảm hại trên chiến trường. Sau vài trận giao tranh, Dirlewanger rơi vào Quân đội Tự do Pháp ở Đức và bị một binh sĩ gốc Ba Lan giết chết trong lúc giam giữ. Tuy nhiên, nhiều thành viên đơn vị này vẫn trốn thoát.

Trong suốt Thế Chiến II, số dân thường bị đơn vị Dirlewanger sát hại khó có thể được thống kê. Ước tính có khoảng 30.000-120.000 người thiệt mạng và hơn 200 ngôi làng bị “đội quân đồ tể” này đốt cháy ở Belarus, cùng khoảng gần 50.000 người bị giết ở Ba Lan.

Duy Sơn