GS Trương Nguyện Thành chỉ bí kíp làm bài thi trắc nghiệm

Video bí quyết làm bài thi trắc nghiệm do GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utal, Mỹ) thực hiện và đăng tải trên trang cá nhân đang nhận được sự chia sẻ của hàng nghìn người

GS Trương Nguyện Thành chỉ 'bí kíp' làm bài trắc nghiệm thi THPT quốc gia

 Video: Facebook Thanh N. Truong.

Theo GS Thành, để thi trắc nghiệm tốt, thí sinh cần hiểu bài thi được thiết kế và xây dựng thế nào, có chiến lược để trả lời câu hỏi. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 phương án trả lời. Trong đó, có một câu trả lời mà thí sinh chỉ cần chút kiến thức là dễ dàng nhận ra đó là câu hoàn toàn sai. Hai câu khác rất khó nhận dạng đúng – sai (80% đúng và 20% sai), cuối cùng chỉ có một câu đúng.

“Do áp lực thời gian và phòng thi, thí sinh thường đọc nhanh, không suy nghĩ kỹ nên bốc một câu trả lời cảm thấy đúng. Một số em thi xong có cảm giác ‘làm bài được’ nhưng cuối cùng kết quả lại không tốt”, ông Thành nhận xét.

Ông cho rằng, trong một bài thi trắc nghiệm, những câu hỏi được sắp xếp một cách ngẫu nhiên không theo trình tự từ dễ đến khó. Nhưng theo quán tính, thí sinh thường bắt đầu từ trên xuống dưới nên dễ vướng vào một câu hỏi khó và mất hết thời gian, không còn cơ hội làm những câu dễ hơn ở bên dưới.

Giáo sư Thành chỉ ra ba bước thí sinh cần chuẩn bị cho mỗi bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia. Đầu tiên, thí sinh cần chuẩn bị tinh thần, sức khỏe và trí tuệ với một giấc ngủ thật ngon trước ngày thi; khi vào phòng thi cần hít thở thật sâu và chậm để giảm nhịp tim.

Thứ hai, khi bắt đầu thi, thí sinh bỏ vài phút đọc hết câu hỏi, không cần đọc câu trả lời để nhận dạng được những câu nào dễ và có thể trả lời ngay.

Cuối cùng, khi bắt đầu trả lời câu hỏi, thay vì chọn phương án đúng, thí sinh nên đọc từng câu trả lời và loại bỏ từng phương án sai theo thứ tự: sai hoàn toàn; sai 50% và so sánh sự khác biệt giữa hai câu còn lại. Từ sự khác biệt đó, thí sinh có thể phát hiện một điểm hơi vô lý của câu trả lời và loại bỏ để còn lại đáp án đúng.

Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, gần 926.000 thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Giống năm 2017, thí sinh sẽ làm 5 bài, trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại thi trắc nghiệm, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

GS Trương Nguyện Thành trong một buổi nói chuyện với sinh viên TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

GS Trương Nguyện Thành trong một buổi nói chuyện với sinh viên TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Giáo sư Trương Nguyện Thành (56 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah. Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành.

Tháng 4/2018, giáo sư Thành được 16 trong tổng số 18 thành viên Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen đồng ý đề cử giữ chức hiệu trưởng nhà trường. UBND TP HCM, Sở Giáo dục đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục thẩm định. Bộ trả lời không đủ cơ sở pháp lý để công nhận tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học đối với ông Thành, do không đủ 5 năm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học.