Khi lũ về đánh úp

Đó là một người Thái khoảng 30 tuổi, mới cùng vợ và con dọn ra khỏi nhà bố mẹ, “ở riêng” cạnh một con suối, ở Phong Thổ, Lai Châu.

Khu này là đất ruộng, được bố mẹ chia cho nên vợ chồng anh dựng nhà lên để ở. Gọi là nhà chứ nó chỉ gồm những cây cột bằng thân tre và các tấm phên bằng vải bạt nhựa nhiều màu. Vợ anh làm mọi việc, chăm con, chăm lợn, gà, nhà cửa… kể cả nấu rượu cho chồng. Còn anh chỉ ngủ, thức dậy và uống rượu.

Trong câu chuyện với anh, tôi hỏi tại sao lại làm nhà ở đây. Đây là khu vực nguy cơ bị lũ quét rất cao vì chỉ cách dòng suối vài chục mét. Chưa kể nếu lũ kéo về rất nhanh, người gần như không có đường chạy. Con đường duy nhất để người bên thung lũng bên này chạy thoát dòng nước dữ là phải băng qua một cây cầu sắt đã cũ, vắt ngang chính con suối đó để qua bờ bên kia, đến con đường trên sườn núi.

Anh bảo đây là đất bố mẹ chia cho, họ không có lựa chọn nào khác. Họ cũng chưa từng nghĩ nên chuyển đi nơi khác vì các yếu tố làm nên sinh kế đều nằm ở đây, chuồng lợn, gà, ruộng ngô, nương sắn và cả cái ao mới đào để nuôi cá mà vợ anh chăm chút hàng ngày.

Tôi tới khảo sát vì địa bàn này từng có lũ quét đi qua. Khi rời nhà anh, tôi nhìn thấy tất cả những hộ dân xung quanh đó, khoảng 50 hộ, với hơn trăm con người đều có nguy cơ gặp nguy hiểm rất cao khi lũ đổ về. Nếu lũ quét bất ngờ đánh úp như hôm qua ở nhiều nơi tại Lai Châu, Hà Giang, thì toàn bộ 50 gia đình đó rất có thể sẽ bị cuốn trôi. Toàn bộ khu nhà dân sẽ chìm trong nước đầu tiên, rồi mới tới cây cầu và con đường. Ơn trời là một cơn lũ lớn chưa đến nữa với bản của anh.

Những người đã chết và mất tích trong lũ quét ở Tây Bắc những ngày này, nhiều người sống trong những căn nhà gần suối như thế. Họ đã ở trong nhà mà không được nhận bất cứ một thông tin cảnh báo nào, hoặc họ đã cố gắng tìm cách giữ lại tài sản của mình từ tay lũ dữ.

Và quan trọng nhất, họ cũng như nhiều người Dao, người Mông, người Thái tôi từng gặp trong những năm nghiên cứu về thiên tai và biến đổi khí hậu, chưa bao giờ lường rằng lũ có thể đến nhanh, dâng lên cao và dữ dội như thế. Họ cũng như cụ, ông, bà của họ, chưa từng nghĩ thiên tai có thể đánh úp ngôi nhà của mình. Họ vẫn tin vào vốn sống về kiến thức bản địa, về sự thông thuộc địa hình. Nhưng mọi thứ giờ đã khác.

Với lũ ống và lũ quét ở miền núi, từ xưa tới nay, hầu hết người dân đối phó chỉ bằng dựa vào kinh nghiệm bản địa nhiều đời của mình. Họ thường căn cứ vào lượng mưa, số ngày mưa, mực nước sông suối, tính nết tùy con sông suối, địa bàn, mùa lũ để dự báo lũ có về hay không. Căn cứ vào vốn sống đó mà họ sẽ sơ tán tại chỗ, tức chuyển đến chỗ cao hơn nhưng vẫn trong vùng sinh kế của mình tạm thời, hay ở nguyên chỗ cũ. Đó là với người Thái, nhóm người thích sống ở các thung lũng, cạnh nguồn nước ở miền núi phía Bắc. Người Dao, người Mông vốn ưa khô ráo nên thường sống ở lưng chừng núi, rất ít khi bị lũ, họ gặp thiên tai thì chủ yếu do lở đất. Còn những người Kinh lên miền núi làm kinh tế thì hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về lũ ống và lũ quét nơi địa hình mà họ đặt niềm tin cho sinh kế cũng như sinh mạng của mình. Nếu không có ai cảnh báo, họ toàn hoàn bị động.

Những cơn lũ quét dồn dập những ngày qua ở Tây bắc lần này khác với những năm trước. Thứ nhất, lượng mưa cấp tập trong một khoảng thời gian quá ngắn khiến mọi kinh nghiệm về kiến thức bản địa để dự báo lũ về không thể phát huy. Trong khoảng 10 tiếng, từ 19 giờ ngày 23/6 đến 7 giờ sáng ngày 25/6, tại Lai Châu đã có tổng lượng mưa đo được từ 300 tới hơn 450 mm. Đó là lượng mưa rất lớn và đột ngột bởi hình thái thời tiết cực đoan gây ra.

Thứ nhì, do sự thay đổi địa hình rất lớn trong khoảng mười năm nay ở những vùng núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là do hoạt động khai khoáng và phá rừng khiến cho địa hình dốc núi và dọc suối đã thay đổi rất nhiều. Nhưng người dân thì hoàn toàn không cảm nhận được những thay đổi cách xa họ vài chục, thậm chí vài trăm cây số. Họ không có khái niệm gì về những nguy cơ có thể xảy ra đối với của cải và sinh mạng của mình.

Thứ ba, những đập thủy điện ở cả Lai Châu và Hà Giang đều là những thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết lũ. Ngay trên sông Lô, địa phận Hà Giang cũng bị băm nát bởi 5-7 thủy điện nhỏ, vốn không có khả năng cắt lũ mà chỉ góp phần làm dòng nước lớn hơn ở phía hạ du. Rủi ro lớn hơn ở Hà Giang là có nhiều thủy điện nằm trên các hồ chứa từ Trung Quốc dọc dòng sông Lô chảy vào Việt Nam. Chúng ta bị động trước hoạt động xả lũ từ nước láng giềng.

Tôi từng làm nghiên cứu, khảo sát về các biện pháp phòng tránh thiên tai cho miền núi Tây Bắc. Trong đó có đề xuất với các địa phương thực hiện hai loại cảnh báo cho người dân. Một loại là dùng kẻng báo động, loa phóng thanh và giao trách nhiệm thông báo đó cho những người trưởng thôn, trưởng bản để đánh động cho cả dân làng biết. Nhưng nếu muốn làm như thế thì phải có thông tin dự báo đến với người đưa tin.

Thứ hai, tôi và cộng sự cũng từng nghĩ đến một hệ thống cảnh báo lũ từ thượng nguồn – nơi phát sinh dòng lũ bằng các camera tự động kết nối với hệ thống tin nhắn điện thoại và tận dụng hệ thống báo tin qua tổng đài của các nhà mạng đến từng thuê bao. Nhưng vấn đề là sẽ tốn kém, không khả thi về bảo dưỡng và vận hành. Có một cách khác là dùng con người trực chiến trong mùa mưa ở những nơi xung yếu. Cách này cũng chẳng khả thi bởi kiếm đâu ra đủ người và phương tiện trực chiến cho toàn vùng Tây Bắc. Mọi ý tưởng hầu như đều bị đóng lại bởi tiềm lực tài chính, công nghệ và con người.

Khi chưa có một giải pháp cảnh báo lũ nào hữu hiệu cho người dân miền núi, chỉ có cách thuyết phục họ di dời nơi ở khỏi những nơi có nguy cơ lũ quét, gia cố nhà cửa. Dẫu biết, thay đổi tập quán và văn hóa hàng trăm năm của người bản địa không dễ, nhưng không phải việc đó đều thất bại ở mọi quốc gia và mọi địa phương.

Khi người dân đối diện với rủi ro về tính mạng, chính quyền cần một hành động quyết liệt để đảm bảo an toàn sinh mạng cho dân.

Nguyễn Ngọc Huy