Nam sinh 13 tuổi gốc Việt đạt điểm ACT tuyệt đối

Cuối tháng 6, Anthony Thịnh Nguyễn (tên Việt là Nguyễn Đức Thịnh) ở bang Oklahoma, Mỹ xuất hiện trên truyền hình địa phương nhờ đạt điểm ACT tuyệt đối (36/36). Nam sinh 13 tuổi gây ấn tượng khi vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao, trở thành “tân binh” trường Oklahoma School of Science and Mathematics (OSSM) cùng 84 học sinh khác. Gần một tháng nữa, em sẽ là học sinh lớp 11.

Nam sinh 13 tuổi gốc Việt đạt điểm ACT tuyệt đối

 Video: ABC7 News

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, ba của Thịnh, OSSM là trường trung học chuyên về nhóm ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Trường chỉ có hai lớp 11 và 12, áp dụng nội quy nghiêm ngặt và kỷ thuật thép. 70% đội ngũ giảng dạy có bằng tiến sĩ, còn lại là thạc sĩ. Thầy giáo được gọi là “professor” (giáo sư) chứ không phải “teacher” như ở những trường trung học khác.

Với việc đạt được điểm ACT tuyệt đối trong kỳ thi tháng 6/2018, Thịnh đã lọt vào 0,01% thí sinh xuất sắc trên toàn nước Mỹ. Martin Roorda, CEO của ACT cho biết, trong hơn 2 triệu thí sinh dự thi năm 2017, chỉ 2.760 em đạt điểm 36.

“Hầu hết mọi người không đạt điểm tuyệt đối trong lần thi đầu tiên. Họ phải trải qua nhiều lần để tập quen với kỳ thi. Em nghĩ tập luyện là điều quan trọng nhất”, Thịnh nói về bí quyết đạt điểm cao. Nam sinh bắt đầu dự thi ACT từ tháng 6/2015, lúc học xong lớp 6. Kết quả hoàn hảo đến với em ở lần thi thứ năm. 

Điểm ACT là một trong những yếu tố tiên quyết trong hồ sơ ứng tuyển vào đại học Mỹ. Các trường uy tín hàng đầu như Harvard, Stanford, MIT hay Yale thường đòi hỏi mức điểm trên 30. Với số điểm ACT tuyệt đối và điểm trung bình học tập thuộc diện xuất sắc (4.0/4.0), Thịnh hoàn toàn có cơ hội bước chân vào một trong những ngôi trường này trong tương lai.

Từng học nhảy cóc 

Anthony Thịnh Nguyễn đã theo học tại trường Lawton Academy of Arts and Sciences (LAAS) từ lớp mẫu giáo (Kindergarten) đến lớp 10. Lần đầu tiên đến trường, sau khi hoàn thành bộ hồ sơ để xin Thịnh vào lớp Pre-K (dành cho học sinh đủ 4 tuổi), gia đình đứng đợi ở hành lang. Thấy hiệu trưởng đi ngang, Thịnh mạnh dạn chào hỏi và trò chuyện vui vẻ. Bị ấn tượng với vẻ lanh lợi của cậu bé, bà nói muốn gặp Thịnh ở văn phòng riêng để sát hạch trình độ.

Thịnh sẽ tốt nghiệp trung học ở tuổi 15. Ảnh: NVCC

Thịnh sẽ tốt nghiệp trung học ở tuổi 15. Ảnh: NVCC

Sau đó, bà đề nghị gia đình cho em nhảy cóc lên lớp Kindergarten (lớp học kéo dài một năm trước khi vào lớp 1), bởi Thịnh có tư chất thông minh vượt trội. Thịnh cũng đã bỏ qua lớp 1 và lớp 7 nhờ tiếp thu nhanh hơn bạn bè cùng tuổi.

“Từ thời tiểu học, Thịnh không muốn ba mẹ can thiệp sâu vào bài vở. Ba mẹ luôn tôn trọng ý kiến của con, chỉ đóng vai trò cố vấn, nhắc nhở, hỏi han con làm bài xong chưa, khuyên răn một cách nhẹ nhàng”, ông Thọ chia sẻ.

Toán là môn học Thịnh yêu thích nhất. Khi học cấp 2, em là thành viên trong đội dự thi Mathcounts của trường, giành giải nhất khu vực Tây Bắc của tiểu bang vào năm 2015. Em tự học ngôn ngữ vi tính, viết phần mềm cho những dự án thi đua cho trường, hướng dẫn bạn bè cùng trường hiểu biết thêm về vi tính.

Sở thích của em có lẽ ảnh hưởng một phần từ gia đình. Bà Trần Thị Thu Thủy, mẹ của Thịnh đã tốt nghiệp thạc sĩ Toán học từ khi còn ở Việt Nam, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ tin học tại Mỹ.

Đầu năm nay, Thịnh và hai bạn học giành giải nhất một cuộc thi quy mô toàn tiểu bang ở Đại học Tulsa. Trong dự án của mình, các em đã nghĩ cách áp dụng công nghệ cao, tích hợp vào mũ bảo hiểm của những người lính cứu hỏa để giảm bớt rủi ro khi làm nhiệm vụ.

Thành tích học tập nổi bật giúp em nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ năm 2016.

Nhớ về nguồn cội

Dù sinh ra ở Mỹ, Thịnh luôn được ba mẹ nhắc nhở về nguồn cội. Năm 2014, em cùng gia đình về thăm quê ở xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam) để tận mắt thấy chén cơm ăn hàng ngày có nguồn gốc từ đâu.

Quảng Nam vốn vang danh Ngũ Phụng Tề Phi – năm danh sĩ cùng đỗ khoa thi năm Mậu Tuất 1898, trong đó có bốn vị ở Điện Bàn. Truyền thống hiếu học lâu đời khiến Thịnh có thêm động lực để tiếp bước cha ông.

Thịnh luôn có bố mẹ đồng hành trên con đường học tập. Ảnh: KSWO 

Thịnh luôn có bố mẹ đồng hành trên con đường học tập. Ảnh: KSWO 

“Thịnh còn nhỏ nên vẫn dành nhiều thời gian vui chơi cùng gia đình và bạn bè chứ không chỉ biết mỗi học tập. Em học võ, bắn cung, chơi đàn piano, đánh cờ, du lịch và làm việc thiện nguyện”, bố em nói, tự hào kể con trai từng nhận được giấy khen phục vụ cộng đồng của Quốc hội Mỹ.

Hè năm nay, Thịnh làm việc tại viện lưu trữ máu của tiểu bang Oklahoma (OBI). Trước khi dọn vào sống nội trú ở trường OSSM để bắt đầu khóa học ngày 13/8, em tham dự một tuần trại hè để tập làm quen với lối sống kỷ luật. Em cũng phải hoàn thiện khá nhiều bài tập để nộp cho thầy giáo vào ngày đầu đến lớp.

Sau khi tốt nghiệp trung học ở tuổi 15, Thịnh mơ ước vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để được học hỏi trong môi trường tốt bậc nhất thế giới. Em cũng dự định theo học ngành Kỹ sư Điện toán tại Đại học Oklahoma (OU).

ACT (American College Testing) là kỳ thi chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học. Kết quả ACT được các đại học Mỹ lấy làm căn cứ để xét tuyển, tương tự kết quả của kỳ thi SAT.

Đề gồm 4 phần thi bắt buộc (Tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu, Tư duy khoa học), tính điểm độc lập theo thang điểm 1-36. Ngoài ra, thí sinh có thể làm phần Viết hoặc không. Điểm ACT là điểm trung bình của 4 phần chính, làm tròn đến số nguyên gần nhất.

ACT không giới hạn độ tuổi thí sinh, nhưng đòi hỏi phải có trình độ bắt đầu từ lớp 6 và chỉ được thi tối đa 12 lần.