Trung Quốc vừa công bố GDP quý II tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm nhẹ so với quý I (6,8%). Bắc Kinh đang siết chặt luồng tín dụng rủi ro trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tăng.
Trên CNBC, nhà phân tích độc lập Fraser Howie nhận xét số liệu này không gây ngạc nhiên, do các tác động từ cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ chỉ phản ánh vào nửa cuối năm. Con đường phía trước với Trung Quốc sẽ rất gập ghềnh nếu nước này không giải quyết được các mối đe dọa từ bên ngoài.
“Kinh tế Trung Quốc có thể chịu cú sốc, nhất là về thương mại. Nó tác động đến nhiều lĩnh vực và nhiều việc làm liên quan. Xuất khẩu ròng bị mất có thể chỉ đóng góp một phần nhỏ GDP. Nhưng hãy nhớ, não người cũng chỉ chiếm có 3% khối lượng cơ thể thôi”, Howie cảnh báo.
Người dân đi bộ trên đường phố Thượng Hải. Ảnh: AFP |
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Thị trường nhà đất tại các thành phố hàng đầu nước này, như Bắc Kinh và Thượng Hải, đang chậm lại, Hao Zhou – nhà kinh tế học khu vực các nước mới nổi châu Á tại Commerzbank cho biết.
Trung Quốc đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. “Một mặt, Trung Quốc phải giảm đòn bẩy tài chính. Nhưng mặt khác, họ cũng nhận thấy tăng trưởng chậm lại là rủi ro cho nền kinh tế”, Zhou giải thích. Trung Quốc vừa cần thắt chặt tiền tệ để giảm đòn bẩy, nhưng lại cần nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã 3 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng.
Zhou dự báo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo tụt tăng trưởng Trung Quốc trong vài năm tới, nếu thặng dư thương mại với Mỹ giảm mạnh. Tiêu dùng nội địa cũng sẽ chậm lại vì căng thẳng này. Vì thế, Bắc Kinh có thể phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Hà Thu (theo CNBC)