Vụ tấn công bằng chất độc sarin biến tàu điện Tokyo thành ‘chiến trường’ năm 1995

13 người thiệt mạng và hàng nghìn người cấp cứu trong vụ tấn công bằng chất độc sarin do giáo phái Aum Shinrikyo tiến hành năm 1995. Ảnh: AFP.

13 người thiệt mạng và hàng nghìn người cấp cứu trong vụ tấn công bằng chất độc sarin do giáo phái Aum Shinrikyo tiến hành năm 1995. Ảnh: AFP.

Vào một buổi sáng tháng 3/1995, các hành khách tại Tokyo, Nhật Bản, chen chân trên chuyến tàu điện ngầm bận rộn nhất thế giới trong giờ cao điểm mà không biết rằng vài phút sau đó khung cảnh nơi đây sẽ giống như bãi chiến trường.

Mùi hóa chất đậm đặc gây khó chịu, giống như mùi sơn pha loãng, mà các hành khách trên tàu điện ngầm hít phải thực chất là sarin, một loại chất độc do Đức quốc xã điều chế, nguy hiểm đến mức chỉ một giọt cũng có thể gây chết người, theo AFP.

Sarin được pha thành dạng lỏng và đặt trên 5 toa tàu tại các điểm khác nhau trong mạng lưới tàu điện ngầmCác nhân chứng cho biết họ nhìn thấy nhiều mảnh giấy ướt trên toa tàu thấm đẫm sarin sau khi những kẻ tấn công dùng đầu nhọn của ô đâm thủng các túi chứa chất độc.

Cuộc tấn công do giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện đã giết chết 13 người và khiến hơn 6.200 người bị thương. Kẻ chủ mưu là Shoko Asahara, một giáo viên yoga gần như mù lòa sáng lập giáo phái từ năm 1984. Y bị treo cổ vào sáng 6/7 và là người đầu tiên bị thi hành án trong số 13 thành viên giáo phái lĩnh án tử hình. Một loạt tội ác giáo phái này gây ra bắt nguồn từ việc sùng bái ngày tận thế.

Khi đang chen lấn trên chuyến tàu thuộc tuyến Hibiya, Sakae Ito nhận thấy không khí đặc lại và mọi người xung quanh không ngừng ho. Chất lỏng tràn trên sàn giữa toa tàu, các hành khách trên ghế bắt đầu co giật. Một người đàn ông dựa vào cột, áo sơ mi phanh ra và dịch cơ thể tràn ra ngoài, ông nhớ lại.

“Tôi cảm thấy nghẹt thở, ho rất nhiều và bắt đầu run rẩy. Người ngồi cạnh tôi ngã gục, sau đó tiếng chuông báo động bắt đầu reo lên”, một nạn nhân khác mô tả. Các hành khách bắt đầu choáng váng, thở hổn hển, sùi bọt mép, chảy máu mũi và mắt cảm thấy bỏng rát.

Cảnh sát được thông báo lần đầu vào khoảng 8h ngày 20/3 và nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Các công nhân tàu điện ngầm hối hả kêu gọi sơ tán. Một số người còn tỉnh táo, nhưng sau khi cố kéo các nạn nhân ra khỏi tàu cũng ngất xỉu. Tình trạng hỗn loạn xảy ra khi các hành khách vừa che mũi vừa chạy từ bến tàu lên mặt đất, nhiều người bị ho và nôn mửa.

Các nạn nhân trong vụ tấn công hóa học nhanh chóng được đưa lên mặt đất và đặt lên cáng cứu thương. Ảnh: AFP.

Các nạn nhân trong vụ tấn công hóa học nhanh chóng được đưa lên mặt đất và đặt lên cáng cứu thương. Ảnh: AFP.

Bệnh viện thời chiến

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được huy động và tiến xuống bến tàu trong trang phục phòng hóa và mặt nạ để hỗ trợ những người bị thương và xử lý chất độc. Các binh sĩ cõng nạn nhân bất tỉnh khẩn trương di chuyển bằng cả thang máy và thang bộ để ra khỏi khu vực. Hàng trăm xe cứu thương hú còi khắp các phố. Trực thăng đáp ngay trên những con đường đông đúc để đưa những người bị thương tới 90 bệnh viện khác nhau.

Những người qua đường và nhân viên y tế thực hiện hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân ngay trên vỉa hè, trong khi nhiều người khác đứng gần đó không kìm được nước mắt. Ito cho biết bệnh viện quốc tế St. Lukes gần nhà ga Tsukiji lúc đó trông như một bệnh viện thời chiến.

Do hệ thống xe cứu thương quá tải, các nạn nhân được chuyển đi bằng taxi, sau đó nhanh chóng đặt lên cáng và đưa tới các hành lang quá tải trong bệnh viện, nơi đã trở thành phòng cấp cấp. Mifumi Inoue, nhân viên tại một bệnh viện, nhớ lại rằng “các y tá đã chạy xung quanh cả bệnh viện”.

Nhật Bản đã quen thuộc với các thảm họa tự nhiên như động đất, nhưng với một xã hội tỷ lệ có tỷ lệ tội phạm thấp, thông tin về vụ tấn công khiến cả nước trở nên hoang mang. Sau vụ việc, thành phố Osaka đã cử cảnh sát chống bạo động đến một số ga tàu quan trọng. Còn ở thủ đô Tokyo, nhiều đoạn trong hệ thống tàu điện ngầm phải đóng cửa.

Tại thời điểm vụ tấn công hóa học xảy ra, Nhật Bản vẫn đang lao đao sau trận động đất hai tháng trước đó ở thành phố Kobe khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự giận dữ của mẹ thiên nhiên vẫn dễ chấp nhận hơn tội ác do con người gây ra. Vụ thảm sát đã để lại vết sẹo tâm lý sâu sắc trên toàn quốc.

“Chúng tôi có thể chấp nhận rằng động đất là thứ ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi cũng có thể chuẩn bị cho động đất. Nhưng chúng tôi không bao giờ có thể lường được những điều như thế này”, một nhân chứng cho biết.

Ánh Ngọc