Bài học về lòng trung thành ở ngôi trường hàng đầu Triều Tiên

Bài học về lòng trung thành ở ngôi trường hàng đầu Triều Tiên

Trường Cách mạng Mangyongdae. Video: Reuters.

Trường Cách mạng Mangyongdae cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 20 km về phía tây nam, lấy tên theo quê hương của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Ông là người sáng lập ngôi trường, với mục đích ban đầu để đào tạo con em liệt sĩ trong kháng chiến chống Nhật. Sau này, ngôi trường phát triển thành một trong những trường học hàng đầu của Triều Tiên, chuyên đào tạo tầng lớp tinh hoa, theo AFP.

Nhìn ra sân vận động của trường là tượng đồng hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il ôm vai các em học sinh. Hành lang nối các lớp học dán đầy áp phích nhiều loại vũ khí. Một phòng học trang bị vũ khí cầm tay cỡ nhỏ, một phòng khác trưng bày xe tăng bánh xích. Phòng đào tạo môn bắn súng sử dụng thiết bị điện tử mô phỏng. 

Trong trường có 1.000 nam sinh. Các em đều cắt tóc sát da đầu, mặc đồng phục quân sự do cố phu nhân Kang Pan Sok, vợ của Kim Nhật Thành, thiết kế. Đường màu đỏ trên quần thể hiện lòng tận trung với cách mạng. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ nhập ngũ và trở thành nòng cốt trong lực lượng quân đội. 

Học sinh quan sát mô hình nội tạng cóc trong một tiết sinh học ở trường Mangyongdae hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Học sinh quan sát mô hình nội tạng cóc trong một tiết sinh học ở trường Mangyongdae hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Chương trình học gồm các môn chính trị, tư tưởng, quân sự và các môn văn hóa. Mỗi ngày có 6 tiết học, mỗi tiết 45 phút. Buổi chiều là giờ thể dục. Các nam sinh mình trần luyện tập trong phòng gym đầy đủ thiết bị, biểu diễn những kỹ thuật taekwondo khó. 

Ngoài học tập, các em cũng có nhiệm vụ lau dọn và giữ gìn một khu vực gần đó là nơi sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, bây giờ là một điểm hành hương lớn. Ở Chilgol, ngoại ô Bình Nhưỡng, cũng có một trường nữ sinh đặt theo tên của bà Kang Pan Sok. 

Các thành viên trong gia đình họ Kim nhiều lần đến thăm hai ngôi trường này. Ông Kim Nhật Thành từng đến trường Mangyongdae 118 lần, còn bà Kang là 62 lần; Kim Jong-il đã tới 94 lần và Kim Jong-un, người từng du học ở Thụy Sĩ, cũng đã 6 lần tới đây. 

“Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un là bậc phụ huynh thực sự của tất cả học sinh trong trường”, Trung úy Choe Su Gyong, hướng dẫn viên phòng truyền thống trường Mangyongdae cho hay.

Trong phòng truyền thống treo ảnh kỷ niệm các lãnh đạo thế giới từng đến thăm trường như cựu tổng thống Congo Mobutu Sese Seko, cựu tổng thống Romani Nicolae Ceausescu, và cựu tổng thống Cộng hòa Benin Mathieu Kerekou, người có con trai từng học 6 năm tại trường.

Tượng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il cùng các em nhỏ nhìn ra sân vận động trong trường. Ảnh: AFP.

Tượng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il cùng các em nhỏ nhìn ra sân vận động trong trường. Ảnh: AFP.

Trong phòng còn trưng bày một khẩu súng trường mà Kim Nhật Thành từng sử dụng. Khi giới thiệu, Choe dẫn lời của cố lãnh đạo: “Con cái của những người làm cách mạng phải phát triển thành quả cách mạng, tiếp bước cha anh”.

Nhiều thập niên sau kháng chiến chống Nhật, trường mở rộng quy mô chiêu sinh. Các em nhỏ có bố mẹ, hoặc ông bà trung thành với đất nước, đều có thể báo danh.

“Chúng tôi lựa chọn con trai và con gái của những người yêu nước, chiến đấu cho đảng, chính quyền, đất nước, tổ quốc và nhân dân”, đại tá Kim Yong Ho, phó phòng giáo dục nhà trường cho hay.

Ngôi trường trở thành nơi để các thanh thiếu niên quen biết và mở rộng mạng lưới quan hệ mà ảnh hưởng của nó đôi khi kéo dài suốt đời, như tình bạn giữa Kim Jong-il và Yon Hyong Muk – thủ tướng Triều Tiên từ năm 1988 đến 1992. Hai người đều tốt nghiệp trường Mangyongdae.

Tầng lớp tinh hoa

Tầng lớp lãnh đạo Triều Tiên đều theo truyền thống cha truyền con nối.  

“Tầng lớp tinh hoa Triều Tiên đóng cửa với người ngoài, nó mang tính kế tục tới mức độ không thể tưởng tượng nổi”, Andrei Lankov, chuyên gia của Nhóm Rủi ro Triều Tiên – tổ chức tư vấn và nghiên cứu về Triều Tiên, nhận xét. “Đa số các quan chức cấp cao của Triều Tiên là con cái của các cựu lãnh đạo”.

Bình Nhưỡng tuyên bố mọi công dân đều có quyền bình đẳng, nhưng phân loại công dân theo lý lịch chính trị – xã hội, dựa trên một hệ thống chi tiết và mang tính kế tục có tên “songbun”. Theo đó, lòng trung thành với chính quyền là yếu tố cực kỳ quan trọng, những người có ông bà thuộc tầng lớp tư sản hoặc từng hợp tác với Nhật Bản đều bị phân loại cấp thấp.

Chỉ những người có songbun tốt mới có thể học lên đại học hàng đầu hoặc được sinh sống ở Bình Nhưỡng, dù sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân đang mở ra cơ hội cho những người khác.

Học sinh học bắn súng bằng thiết bị mô phỏng trong trường Mangyongdae hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Học sinh học bắn súng bằng thiết bị mô phỏng trong trường Mangyongdae hôm 14/7. Ảnh: AFP.

Trường Cách mạng Mangyongdae khi mới thành lập áp dụng mô hình các trường quân sự Suvorov của Liên Xô, chiêu sinh con em mồ côi của các cựu chiến binh. Ngôi trường bước vào thời kỳ đỉnh cao khi Triều Tiên quân sự hóa xã hội những năm 1960 và chức năng của nó dần thay đổi, trở thành nơi đào tạo tầng lớp tinh hoa như hiện nay.

Tuy nhiên, Lankov nhận định sức hấp dẫn của ngôi trường có thể yếu đi trong tương lai, khi con cháu của những lão thành cách mạng “không đánh giá cao những giá trị cứng nhắc và đơn thuần của cha ông. Họ thích học ngoại ngữ và lập trình máy tính hơn là súng ngắn và cách giết người bằng dao găm”. 

Có điều, đại tá Kim không nghĩ tới vấn đề này.

“Chúng tôi phải đào tạo các nam sinh trong trường trở thành lực lượng nòng cốt của quân đội nhân dân Triều Tiên”, ông nói.