Lý lẽ của đề thi

Thấy cháu tôi thi xong môn Toán tốt nghiệp THPT mà tỏ ra chán nản, gia đình bèn mời một cô giáo tới nhờ nói chuyện chia sẻ với cu cậu. Hai cô trò ngồi trong phòng, giả làm phòng thi, đem đồng hố ra bấm và đem đề Toán thi tốt nghiệp ra làm lại.

Đề có 50 câu và học sinh phải làm trong 90 phút. Tức chưa đầy mỗi 2 phút học trò phải làm xong một câu. Thằng bé làm tới độ 30 câu thì đã hết giờ. 20 câu còn lại là những câu rất khó, tới nỗi cô giáo đó dù chuyên dạy Toán cũng không thể làm 20 câu đó trong 90 phút.

Tôi giật mình. Vậy thì cách làm của đa phần học sinh trong bài thi này như thế nào? Cháu tôi nói hầu hết chúng chọn câu dễ làm trước, câu khó tạm bỏ đó, trước khi nộp bài, thấy sót câu nào thì nhắm mắt khoanh bừa, trông chờ may rủi.

Cô giáo cũng kể rằng có học trò của cô không làm được 15 câu, đánh bừa thành ra trúng được 10 câu. Thành thử ra là ăn mừng vì ăn may, mà ăn may vượt trội. Còn lại, nhiều em đánh bừa mà sai bét, nên vừa mệt vừa chán.

Việc đề Toán không thể làm hết trong thời gian thi được đồng tình bởi nhiều nhà giáo có tiếng.

Ngoài đề Toán, ba đề còn lại trong số bốn bài thi bắt buộc, gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn trong số hai bài tổ hợp đều được xây dựng với môtip tương tự về độ dài và độ khó, đòi hỏi sự co kéo cao về thời gian của người làm. Một thầy giáo dạy Sinh kỳ cựu cho biết, một câu hỏi của đề Sinh có độ dài và thông tin cần phân tích bằng 3 câu hỏi bình thường các em vẫn làm ở trường. Chưa kể, làm xong một đề, thí sinh chỉ được nghỉ 10 phút rồi làm tiếp đề kia. Học sinh của thầy phần lớn đều quá mệt để tập trung tốt cho bài thi. Các thầy cô giáo khác tôi đã trò chuyện đều cho biết, hầu hết, nếu không nói 100%, học sinh của họ đều thừa nhận có tích bừa vào cả bốn bài thi của mình.

Đề thi trắc nghiệm tất nhiên luôn bao gồm khả năng may rủi, nhưng sự may rủi khi bị đẩy lên quá cao bởi các yếu tố chủ quan như cách thiết kế đề và cách thức tổ chức thi cử thì nó có thể dẫn đến hệ lụy khác, dễ thấy nhất là những kết quả giáo dục bị bóp méo. Khả năng bỗng nhiên xuất sắc của học sinh bình thường hoặc bỗng nhiên thất bại của học sinh khá giỏi là hoàn toàn có thể nếu cộng cả sự “” ở bốn bài thi vào thành kết quả của một em. Và kết quả ấy quyết định đường đời của những người trẻ tuổi.

Câu chuyện đề thi tốt nghiệp PTTH năm nay, tiếp theo những mùa thi luôn gây tranh cãi các năm trước ở nước ta, khiến tôi có một vài suy nghĩ.

Thứ nhất, đề thi khó là cần thiết, để tránh những cơn mưa điểm mười và để giúp học sinh không chủ quan thái quá. Song, khó tới nỗi có thể dẫn tới một kết quả thi cử thiếu chính xác. Nhiều khi phần thắng rơi vào kẻ ăn may. Mà ăn may với môn nào không biết, riêng với môn Toán, vốn rất rõ ràng và rành mạch thì thật là trớ trêu.

Thứ hai, cách ra đề theo kiểu “quả lắc”, nay thì dễ mai thì khó, sẽ tiếp tục khiến học sinh và nhà giáo đều không biết sao mà lần. Bộ Giáo dục đang ra sức giải thích cách ra đề năm nay: nội dung trong đề đều thuộc chương trình lớp 12, 11, chủ yếu là lớp 12; toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông; và cấu trúc đề thi 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với 2017, tức 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong chương trình. Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa được chất lượng thí sinh.

Tuy nhiên, cái mà thầy cô và trò thắc mắc không phải về việc đề trong hay ngoài chương trình, tỷ lệ kiến thức của năm nào bao nhiêu phần trăm, có tăng cường phân hóa hay không, mà chính là sự hợp lý của đề thi. Là một phụ huynh, tôi cũng đồng ý với thầy cô. Bởi một đề thi đã ra cho học sinh trung học cả nước thì phải có tính vừa sức, để học sinh thi xong không bị đuối, và cũng không cần dùng mánh mung gì để đánh bừa mà phải thực sự đủ thời gian làm bài, nhất là với học sinh khá giỏi.

Thứ ba, nhìn lại kỳ thi năm trước, có thể thấy hai năm nối tiếp nhau là hai cực của một vấn đề. Bộ Giáo dục ban đầu đã cho thi trắc nghiệm với đề dễ quá, tới nỗi học sinh đạt 30 điểm cũng không đậu nổi đại học. Năm nay, đề thi bất ngờ chuyển sang khó quá, nên có thể dự đoán mặt bằng điểm sẽ tụt xuống rất thấp.

Nhưng cái cần quan tâm hơn là nâng cao chất lượng học hành. Một đề thi tạo ra động lực tích bừa và sắc xuất “ăn may”, trở thành một đề thi khó nhưng chưa chắc phân loại được năng lực học trò, không khơi gợi cảm hứng với việc học hành, thì có nên tiếp tục tư duy ra đề theo cách đó?

Nhưng nhìn rộng hơn, không chỉ với đề toán và một kỳ thi, tôi vẫn cho rằng đề thi không nên dễ quá, thậm chí chúng tôi ủng hộ cho những đề thi khó một cách khoa học và hợp lý. Nó gợi cảm hứng cho chính người làm bài và thầy cô, phụ huynh, những người cũng bươn chải với các mùa thi không kém học trò.

Chúng ta cần trả lại cho điểm 9, điểm 10 vương miện hào quang của nó, rằng chỉ những người xứng đáng mới có điểm 9-10 trong tay. Và điều đó thực sự đáng tự hào.

Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu ngành giáo dục xây dựng được một nền giáo dục mà sự đánh giá con người không phụ thuộc vào chỉ một kỳ thi cụ thể, điểm số cao hay thấp, với tính ganh đua và căng thẳng. Điều này nhiều nước đã làm được từ lâu.

Nguyễn Anh Thi