Người miền Tây

Một tiệm bán bún phở mới mở gần nhà tôi. Người trong tiệm đều đến từ miền Tây. Họ rất thân thiện với nụ cười rạng rỡ tự nhiên khi gặp khách. Họ làm tôi luôn cảm thấy vui nên tôi hay đến ăn nhà hàng này.

Thực ra, tôi đã rất ấn tượng bởi thái độ của người miền Tây từ lâu.

Tôi đi miền Tây còn nhiều hơn những người bạn Việt quanh mình. Tôi dẫn chương trình cho một chương trình truyền hình giới thiệu hơn hai mươi nghề truyền thống nên được đi công tác miền Tây rất nhiều lần. Mỗi chỗ tôi đến, họ đều cười rất lớn, vui vẻ khi gặp tôi.

Chỗ tôi ấn tượng nhất có lẽ là Lai Vung, Đồng Tháp. Họ làm ghe bằng gỗ. Ông Bảy Tốt, 58 tuổi, chia sẻ rằng chỉ khoảng năm, bảy năm trước, hầu hết mọi người ở đó di chuyển bằng ghe trên sông.

Phải đi một đoạn đường đất nhỏ và khá xa mới vào được nhà ông. Đến nhà, ông mời uống trà, ăn quýt nhà trồng. Cuộc sống của ông hoà cùng thiên nhiên. Nơi đây không có đường nhựa, không có ngành công nghiệp màu xám như các thành phố lớn – nơi mà thiên nhiên bị đốt cháy và bỏ quên. Lúc đó tôi ước gì có thể ở đây trồng rau, lập gia đình. Mỗi sáng thức dậy, ngửi mùi cây cối xanh tươi, ăn đồ ăn mình tự làm, từ chính đất của mình.

Một lần khác, tôi đến Định Yên, Đồng Tháp gặp một gia đình để xem cách làm chiếu. Người mẹ và cô con gái được mệnh danh là người làm chiếu bằng tay nhanh nhất ở tỉnh. Cả làng sống kết nối với nhau, cùng nhau hợp tác làm việc và đã giữ truyền thống như vậy suốt một thời gian dài. Một người làm nguyên liệu chiếu, một người làm thuốc nhuộm, một người bán chiếu. Cứ như vậy, một chu kỳ cuộc sống tiếp nối trong cộng đồng của họ, cũng như là mô hình thu nhỏ của cả miền Tây. Mọi người làm việc giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn phát triển rất nhiều nghề có nguồn gốc từ tự nhiên.

Rồi được dịp tôi đến xem cách làm lạp xưởng của người Chăm, đi giúp trồng rau ở một nông trại đậu phộng, học cách làm bánh phồng ở An Giang, tự leo cây lấy đường thốt nốt và nấu các sản phẩm từ thốt nốt, làm nhiều loại mắm, đến một số khu du lịch như Gáo Giồng, Tràm Chim… Tôi khám phá ra nhiều thế giới rất khác với những gì tôi biết mà lại ngay bên mình.

Đại học Harvard từng thực hiện một cuộc phân tích liên tục với hơn 700 người đàn ông từ năm 1938 đến nay. Cuối cùng họ phát hiện rằng, những người kết nối với gia đình, bạn bè và cộng đồng trở nên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn những người ít kết nối.

Các bạn Việt Nam nên tự hào về Miền Tây, đặc biệt về các mối quan hệ của họ. Miền Tây nổi tiếng với các gia đình lớn. Tôi hay trêu hàng xóm lý do anh ấy có nhiều anh em là vì ở miền Tây không có tivi.

Tôi biết nhiều người Việt Nam đánh giá Miền Tây lạc hậu. Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ Miền Tây phát triển rất tốt, rất đặc biệt. Thực sự trong mười năm qua sống ở nhiều nơi trên Việt Nam, tôi gặp rất nhiều kiểu “dân chơi nửa mùa”, mới phất một chút là sắm sửa khoe khoang, xây nhà cao, mua xe xịn, đồ trang sức đắt tiền… nhiều thứ họ không cần tới nhưng cứ mua. Miền Tây vẫn sống trong sự cân bằng của tự nhiên, chủ nghĩa vật chất vẫn chưa xâm chiếm.

Miền Tây phát triển khá tự nhiên bởi sông Mekong và không dễ xây đường đi. Họ dường như bị cô lập nên cuộc sống của mỗi vùng lại phát triển độc lập. Tôi hỏi nhiều người thì được biết, ngày xưa đi từ Cà Mau lên Sài Gòn là đi từ sáng đến tối, phải qua sông, qua phà hoài.

Một người bạn tôi từ Canada nói, nên đi ngắm hết miền Tây vì tương lai sắp tới nó sẽ thay đổi rất nhiều, phai nhạt dần nét văn hoá.

Văn hóa miền Tây đã tự phát triển rất thú vị, song vẫn có một số vấn đề như nghèo đói và rượu bia. Tôi biết nhiều người muốn giải quyết nó. Toàn cầu hoá đang đến rất nhanh, gây ra nhiều vấn đề lớn trong tương lai của Miền Tây. Máy móc hiện đại đang thay thế các làng nghề truyền thống. Khi số lượng lớn sản phẩm được làm ra dễ dàng, tràn ngập thị trường thì nó cũng không còn đặc biệt nữa. Những sản phẩm thủ công mất dần chỗ đứng.

Mỗi vài hôm tôi lại thấy những tin không vui cho miền Tây của tôi. Khi thì mất mùa, khi không mất mùa thì nông sản mất giá, khi thì thiệt hại do lũ sớm, hay do không có lũ, khi thì nhà cửa bị lở xuống sông. Thật buồn khi biết khí hậu thay đổi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quê hương miền Tây lúc này. Và tương lai sẽ chỉ nặng hơn. Hạn hán, xâm nhập mặn vào sông Mekong vì nước biển dâng cao, lũ lụt…

Tôi thật sự không biết mình có thể làm gì giúp đỡ họ – những người miền Tây tôi yêu quý. Mỗi người Việt Nam chúng ta liệu sẽ làm gì để những nét đẹp của miền Tây không biến mất?

Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)