Niềm vui miễn phí

Cuối năm ngoái, trong cuộc gặp gỡ không chính thức giữa tôi và đại diện vùng của một số dịch vụ nghe nhạc trực tuyến toàn cầu, tôi thường phải trả lời câu hỏi: “Điều gì đáng quan ngại nhất khi dịch vụ này được cung cấp tại Việt Nam?”.

Tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời: “Vấn đề bản quyền. Vì công nghệ ghi âm và sở hữu trí tuệ Việt Nam không phát triển cùng một đường lối với các nước lân bang, chúng tôi có những đặc thù cần được hiểu rõ”. Song, có một câu hỏi lấp ló đâu đó mà cả chủ lẫn khách đều tránh đề cập, đó là thói quen nghe nhạc, đọc sách miễn phí. Chúng ta đã có một quá trình dài không hề biết tới công khó nhọc của nhà sản xuất; và định dạng lại thói quen chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai.

Và thế là, trùng khít với dự báo không mấy lạc quan của một số quan sát viên, số lượng thành viên nội địa đăng ký nghe nhạc trực tuyến từ kênh thu phí Spotify – với giá 59 ngàn đồng/tháng cho thuê bao cá nhân – đã sụt giảm sau một tháng khuyến mại miễn phí, hệt như trước kia đã xảy ra với Apple Music. Vậy hóa ra các dịch vụ streaming – nghe và xem trực tuyến – nổi danh cũng vấp phải khó khăn ở đúng cái gọi là “nếp nghĩ” của người Việt. YouTube Music, Apple Music, Google Play Music, Tidal, Netflix còn mệt mỏi chán để có thể cung cấp nội dung bản quyền cho khách hàng Việt Nam.

Cũng chính là nếp nghĩ ấy in hằn lên sinh hoạt game show truyền hình Việt. Trong khi ở các nước Âu, Mỹ, truyền hình thực tế đã sang giai đoạn thoái trào thì trong nước, khán giả vẫn hài lòng với các TV show ngày càng giống nhau ở điểm là nhàm chán, thiếu sinh khí. Tất cả chỉ vì chúng ta không phải trả tiền để xem truyền hình.

Cái gì ta không bỏ tiền ra thì thành vui, không vui cũng hóa ra vui, dù là vui gượng.

Việc truyền hình thực tế lên ngôi mười năm trước có lý do của nó. Đó là bởi khán giả truyền hình không còn hài lòng với sự sắp đặt lộ liễu qua bàn tay đạo diễn và mong mỏi được xem những gì “tự nhiên”, “thực tế”, có thể xảy ra với những người giống như mình. Vinh quang đừng nên là đặc quyền của thiểu số. Ai cũng có thể gặt hái vinh quang dù là anh kẹo kéo hay cô bán cóc ổi.

Nhu cầu giải tỏa và nếm trải thành công của khán giả đã là đòn bẩy trực tiếp thúc đẩy các show truyền hình thực tế và tìm kiếm tài năng nở rộ. Mười năm 2007 – 2017 được cho là thời gian vàng son của truyền hình thực tế năm châu, với cơ man những dạng thức, những kịch bản được viết ra hoặc đi sao chép lại. Truyền hình thực tế chiếm sóng nhiều nhất trên chương trình TV, và chừng nào các nhà tài trợ còn gật đầu khen hay và tiếp tục bỏ tiền quảng cáo, truyền hình thực tế vẫn còn sống. Chỉ đến khi American Idol bị Fox khai tử, tín hiệu cảnh báo từ một show truyền hình tiếng tăm phát ra mới gây một sang chấn nhẹ và mọi người ngơ ngác hỏi nhau: Sao thế nhỉ? Sao Idol “chết” được nhỉ? Vậy thì các show khác sẽ như thế nào? Khán giả Việt còn có câu hỏi phụ: Bolero có “chết” không?

Như mọi người có trí tuệ bình thường đều biết, truyền hình thực tế là một dạng show trình diễn, mà đã là trình diễn thì nhất định phải có kịch bản, phải sắp xếp các tình huống, phải tạo ra các ấn tượng giả-mà-như-thật, phải PR bằng các scandal không thực tế nhưng làm như thực tế lắm. Khán giả biết, diễn viên biết, nhưng kịch bản vẫn cứ chạy theo đường dây kịch bản và những người tham dự, diễn viên và công chúng, tin răm rắp vào kịch bản. Để rồi sau mỗi mùa giải, công chúng miễn phí có thêm vài ngôi sao miễn phí để ôm ấp mộng tưởng; truyền hình tiếp tục thừa thắng xông lên nhận tài trợ và nhà tài trợ hoan hỉ rót thêm tiền.

Ít có ngôi sao nào sống sót đến mùa giải tiếp sau, tuy vậy chẳng ngôi sao nào than van vì ít nhất ta cũng “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, ta cũng có người hâm mộ, ta cũng nổi tiếng đủ để cái tên ta được rót đều rót đều vào tai công chúng. Điều quan trọng là: ta đã làm theo kịch bản để công chúng vui, ta cũng vui; công chúng được vui miễn phí và ta thì còn có tiền thù lao nên lại càng vui.

Những bất cập ở truyền hình thực tế được các báo ngoại quốc lớn đăng tải hầu như không tác động gì đến tình hình TV show xứ ta cả. Chuyện ngôi sao này tử nạn, ngôi sao kia đột quỵ vẫn cứ là chuyện xứ người, còn xứ mình ai cũng sống hùng sống mạnh. Cái chết thì ngoài kịch bản, dĩ nhiên, chúng mình làm theo kịch bản có gì mà lo. Nỗi lo duy nhất từng thoáng qua tâm trí công chúng và các diễn viên là không biết tương lai còn truyền hình thực tế để mà xem không. Những món ăn miễn phí thế này nếu mất đi quả cũng đáng ngại chứ, niềm vui mà thu tiền thì bớt vui mất rồi.

Như Spotify như Apple Music, họ thu tiền thì ta bỏ, ta tranh thủ lúc YouTube còn miễn phí thì ta giải trí trên YouTube cũng được. Với các diễn viên, nỗi sợ mất đi vĩnh viễn truyền hình thực tế ngán ngại hơn nhiều so với nỗi lo thi hỏng, rớt từ vòng gửi xe. Bởi chăng chỉ cần game show đừng bị dẹp mất, mình rớt keo này có ngay keo khác.

Nhưng như chúng ta thấy: hóa ra rồi cũng đến lúc truyền hình thực tế không còn thu hút nhà tài trợ nữa mà các nhà tổ chức đã lỡ mua bản quyền cả lô rồi. Làm thì phải dấn thân theo format, còn bỏ thì tiếc. Các cuộc vui miễn phí sắp đến giờ hạ màn?

Theo thông lệ khả đoán của lịch sử – dù là truyền hình vẫn có lịch sử của riêng nó – truyền hình lại quay về với các chương trình có phí; sách báo giấy lại lên ngôi; nghe nhạc phải trả tiền. Nói gọn là không có niềm vui nào miễn phí cả.

Âu cũng là lẽ thường tình.        

Quốc Bảo