Quá khứ kỳ lạ của dòng chữ biểu tượng cho thành phố Sydney

Từ 1932 đến 1956, khi thức dậy, người dân Sydney (Australia) lại thấy một dòng chữ “Eternity” (Sự vĩnh cửu) được viết cách điệu bằng phấn màu vàng trên đường đi, ga xe lửa hay một bức tường nào đó.

Mỗi ngày, dòng chữ lại xuất hiện ở một địa điểm mới trong thành phố. Nhân vật bí ẩn đã đánh dấu sự hiện diện của mình ở những nơi công cộng trong suốt một phần tư thế kỷ, theo Amusing Planet.

Dòng chữ nổi tiếng ở Sydney - nơi hút nhiều du khách. Ảnh: Amusing.

Dòng chữ nổi tiếng ở Sydney – nơi hút nhiều du khách. Ảnh: Amusing Planet.

Ban đầu, Hội đồng thành phố Sydney rất tức giận trước sự “phá hoại” của kẻ giấu mặt. Nhưng hàng tuần, hàng tháng, rồi nhiều năm qua đi, sự xuất hiện của dòng chữ theo phong cách graffiti đã trở thành biểu tượng cho thành phố. Những nét chữ thanh mảnh và nghệ thuật được người đi bộ tránh bước lên, được các công nhân vệ sinh đường phố giữ lại nguyên vẹn.

Nhân vật bí ẩn tạo nên hiện tượng này – người sau này đã trở thành nghệ sĩ graffiti nổi tiếng nhất trong lịch sử Australia – đã không để lộ danh tính của mình cho đến một buổi sáng tháng 6/1956. 

Hôm đó, mục sư Lisle M. Thompson của Nhà thờ Baptist Burton Street đã vô tình thấy một người lau dọn lén lấy mẩu phấn trong túi và viết chữ trên lối đi bộ. Ông Thompson tiến đến và hỏi người dọn dẹp: “Chính anh là Ngài Eternity phải không?” Tên của anh là Arthur Malcolm Stace.

Sinh năm 1885, Stace trải qua thời thơ ấu và trưởng thành trong nghèo đói. Cha mẹ cậu đều nghiện rượu, trong khi các chị gái điều hành một nhà chứa. Để tồn tại, cậu nhóc Stace từng phải ăn cắp bánh mì,  lục lọi đồ ăn thừa trong thùng rác. Ở tuổi 12, Stace làm việc trong một mỏ than trước khi trở thành một kẻ nát rượu khi mới 15 tuổi. Tuổi đôi mươi của Stace gắn liền với việc chuyển rượu từ các quán tới nhà thổ hay canh chừng cho các ổ cờ bạc. Trong Thế chiến thứ nhất, Stace tìm được một công việc tay chân trong Lực lượng Hoàng gia Australia, nhưng nhanh chóng bị đào thải do căn bệnh viêm phế quản.

Stace cuối cùng đã tìm thấy mục đích của cuộc đời vào tháng 11/1932, khi ông đi nghe một bài giảng đạo có tên “Echoes of Eternity” (Tiếng vọng của Sự vĩnh cửu). Mục sư giảng đạo đã hỏi: “Eternity, tôi ước rằng có thể truyền tải từ đó cho tất cả mọi người trên đường phố Sydney. Các bạn phải làm điều đó, vậy các bạn sẽ để Eternity ở đâu?”. Lời nói đầy sức mạnh và lôi cuốn như thôi miên Stace, ông lấy một mẩu phấn trong túi, cúi xuống và viết chữ “Eternity” trên sàn nhà thờ.

Quá khứ kì lạ của tác phẩm vĩnh cửu đầu tiên tại Australia - 1

Ngôi mộ của Stace ở công viên tưởng niệm Eastern Suburbs. Ảnh: Amusing Planet.

Điều đặc biệt là Stace lmù chữ, đến nỗi còn khó viết đúng cái tên Arthur của mình. Nhưng thật kỳ lạ, dòng từ “Eternity” luôn được viết một cách mượt mà và đẹp đẽ. “Tôi không thể hiểu dòng chữ này và tôi vẫn chưa thể hiểu”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn sau này.

Từ đó cho đến khi qua đời vào năm 1967, Stace luôn thức dậy vào lúc sáng sớm để vẽ bằng phấn màu vàng khắp thành phố. Stace đã suýt bị bắt vì tội phá hoại tài sản công cộng trên dưới hai chục lần. Mỗi khi bị bắt, ông đã chuẩn bị một câu nói để phòng thân: “Tôi được phép làm điều này từ một cấp cao hơn”. Stace ước tính, ông đã vẽ khoảng nửa triệu chữ trong suốt hơn 30 năm. 

Câu chuyện của Stace đã lay động trái tim của cả Sydney. Nhiều nghệ sĩ đương đại kết hợp từ “Eternity” vào các tác phẩm nghệ thuật của riêng họ. Nó đã trở thành một họa tiết phổ biến trong nghệ thuật đường phố Sydney. Năm 2000, trong lễ kỷ niệm năm mới đầu tiên của thiên niên kỷ, dòng chữ đã được thắp sáng trên cầu cảng Sydney. Cùng năm đó, nó cũng trở thành một phần trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Sydney 2000.

Ngày nay, Sydney chỉ còn hai dòng chữ “Eternity” nguyên bản được lưu giữ. Đó là mảnh bìa mà Stace đã viết tặng cho một giáo dân đồng hương, hiện đặt trong thư viện Eternity của Bảo tàng Quốc gia Australia tại Canberra. Dòng chữ thứ hai nằm trong chiếc chuông trên tháp đồng hồ Bưu điện Sydney.

Trường Đặng