Rào cản ngăn Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng chiến dịch đổ bộ

Rào cản ngăn Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực

 Tàu sân bay Trung Quốc tập trận gần Đài Loan. Video: RT.

Cuộc kéo dài 6 ngày ở khu vực bờ biển tỉnh Chiết Giang vừa diễn ra của quân đội Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ nước này sẽ sử dụng biện pháp quân sự để thu hồi đảo Đài Loan.

Các chuyên gia quân sự cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Nếu Washington quyết định can thiệp quân sự, cơ hội để Bắc Kinh có thể chiếm được Đài Loan gần như bằng không.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một rủi ro đối với Đài Loan, đó là nguy cơ Bắc Kinh có những “thỏa thuận ngầm” với Washington để Mỹ “làm ngơ” khi một chiến dịch quân sự quy mô lớn được phát động nhắm vào hòn đảo.

“Nếu Trung Quốc cho rằng việc không được Mỹ hậu thuẫn là điểm yếu chí tử của Đài Loan, họ sẽ tính tới việc bắt đầu những kịch bản để có thể chiếm hòn đảo”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu hôm 23/7 tuyên bố.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng ngay cả khi không có sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan vẫn là một thách thức không nhỏ về mặt chiến thuật đối với hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc, theo National Interest.

Rào cản đầu tiên ngăn Trung Quốc tiến hành chiến dịch đổ bộ quy mô lớn lên đảo Đài Loan là yếu tố địa lý. Một báo cáo năm 2017 của Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai lực lượng qua eo biển Đài Loan rộng 185 km, nhất là khi họ luôn phải đối mặt với nguy cơ can thiệp của Mỹ.

Để vận chuyển một lượng lớn binh sĩ, khí tài đổ bộ lên bờ biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải dựa vào các tàu đổ bộ đời cũ vốn di chuyển chậm chạp và rất dễ làm mồi cho các hệ thống tên lửa diệt hạm phóng từ bờ biển đối phương.

Trung Quốc trong thời gian qua dường như đang nỗ lực khắc phục điểm yếu trong năng lực triển khai lực lượng, bằng cách mạnh tay đầu tư hiện đại hóa quân đội, tập trung các nguồn lực để tăng cường sức mạnh không quân và hải quân.

Trung Quốc đang tìm cách bắt chước mô hình nhóm tác chiến viễn chinh Mỹ với tàu sân bay trực thăng Type-075 ở trung tâm, được hộ tống bởi tàu khu trục đa năng Type-055, khu trục hạm phòng không Type-052C/D và tàu tiếp vận hạng nặng Type-901. Tuy nhiên, tàu Type-075 vẫn đang được chế tạo và biên đội viễn chinh như vậy phải 5 năm tới mới có thể hình thành.

Hải quân Trung Quốc hồi đầu tháng 7 hạ thủy cùng lúc hai tàu khu trục đa năng hạng nặng Type-055, mỗi chiếc có lượng giãn nước 13.000 tấn. Khi được vào biên chế, chúng sẽ là những tàu khu trục lớn và có uy lực nhất ở châu Á.

“Lớp Type-055 có thiết kế hiện đại, sở hữu tính năng tàng hình, radar tối tân và cơ số tên lửa lớn. Nó mạnh hơn hầu hết các tàu khu trục của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc hiện nay”, chuyên gia phân tích Timothy Heath thuộc tổ chức tư vấn RAND nhận định.

Việc Bắc Kinh hạ thủy cùng lúc hai tàu khu trục Type-055 cho thấy tiềm lực đóng tàu và tham vọng phát huy sức mạnh hải quân của nước này. Dù vậy, Lầu Năm Góc cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng phát động cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Đài Loan.

“Đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn là hoạt động khó khăn và có độ phức tạp rất cao. Thành công của nó phụ thuộc vào việc chiếm ưu thế trên không và trên biển, tập hợp lực lượng trong thời gian ngắn và duy trì năng lực tiếp tế ngoài khơi dưới sự yểm trợ liên tục. Đây là nhiệm vụ vượt quá khả năng của quân đội Trung Quốc, cũng như có thể dẫn đến sự can thiệp từ các nước khác”, Lầu Năm Góc đánh giá trong báo cáo tiềm lực quân sự Trung Quốc năm 2017.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động gần eo biển Đài Loan năm 2017. Ảnh: SCMP.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động gần eo biển Đài Loan năm 2017. Ảnh: SCMP.

Ngay cả khi tiến hành chiến dịch đổ bộ thành công lên Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức lớn không kém là môi trường tác chiến đô thị và chống nổi dậy, đặc biệt là khi Đài Loan đã nỗ lực gia cố cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực phòng thủ.

Với việc lực lượng bị tiêu hao đáng kể trong chiến dịch đổ bộ, quân đội Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu thu hồi Đài Loan một cách chớp nhoáng. Hành động quân sự của Bắc Kinh cũng có thể vấp phải phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế, châm ngòi cho tư tưởng ủng hộ độc lập bùng lên ở Đài Loan và khiến Bắc Kinh không bao giờ có thể thực hiện được kế hoạch thống nhất hòn đảo bằng vũ lực, chuyên gia Dave Majumdar của National Interest nhận định.

Duy Sơn