Tôi luôn thắc mắc thế nào là kiến thức “phổ thông”? Theo tôi hiểu, phổ thông nghĩa là phổ biến, cần thiết để trang bị hàng loạt cho người dân. Vậy những kiến thức phổ thông mà ngành giáo dục đang áp đặt chương trình lên hàng triệu người dân Việt có thực sự là “phổ thông” khi hầu như chẳng mấy ai ra đời dùng đến.
Có thể nói, tốt nghiệp ra trường nhiều người sẽ không bao giờ cần đến đạo hàm, tích phân, nguyên hàm, bài toán con lắc, giải toán mạch điện, lịch sử, địa lý… Trong khi đó, rất nhiều kiến thức hàng ngày mà người ta cần để trở thành công dân tốt, thành đạt xã hội, góp phần xây dựng đất nước lại không thấy nhiều.
Hiện nay, con em chúng ta nếu “quăng” ra đời, phần lớn là vụng về và thiếu rất nhiều kỹ năng. Đến mức một tập đoàn công nghệ năm nào qua Việt Nam tuyển dụng phải thốt lên là không tìm được ứng viên đủ điều kiện, dù đến từ những trường đại học danh tiếng nhất nước Việt.
Một số bạn lên tiếng rằng các kiến thức Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Văn… mà ta thấy ở giáo dục phổ thông là rất cần thiết để rèn luyện tư duy. Vậy tôi xin thắc mắc vì sao trong thực tế rất nhiều người thành đạt lại không giỏi những môn học đó, thậm chí họ từng là học sinh cá biệt hay đội sổ lớp?
Điều này cho thấy có gì đó không ổn trong nội dung giáo dục phổ thông ở nước ta. Tôi nghĩ học sinh bây giờ cần học nhiều hơn những thứ mà phụ huynh chúng tôi năm xưa dạy: “Ra đời sẽ hiểu, không trường lớp nào dạy đâu”.
Sao cái cần học thì chúng tôi đã không được học? Còn cái gọi là “phổ thông” kia thì chúng tôi chỉ lo thi lấy cái bằng rồi quên không thương tiếc?
Chia sẻ bài viết của bạn .