Tổng thống Mỹ Trump, cùng các lãnh đạo G7 tại Canada cuối tháng 5. Ảnh: Reuters. |
“Có thể Mỹ sẽ leo thang xung đột thương mại với EU, khi Tổng thống Trump dường như nói rõ ông không tin vào khung của hệ thống thương mại thế giới hiện nay”, David Henig, Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế của châu Âu (ECIPE) dự báo khi trao đổi với VnExpress.
Các thành viên EU hôm 22/6 tuyên bố áp mức thuế 25% với một loạt sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, với lượng hàng trị giá 3,4 tỷ USD. Mức thuế này có hiệu lực ngay lập tức, là động thái đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ áp thuế với nhôm và thép nhập từ EU hôm 1/6. Một số nhà phân tích đánh giá EU dường như tìm cách gây áp lực thương mại với Mỹ thông qua việc nhắm vào hàng nông sản và nông dân, nhóm cử tri vốn rất nhạy cảm với chính trị Mỹ.
Tổng thống Trump tiếp đó đe dọa sẽ áp mức thuế 20% đối với tất cả xe nhập khẩu được lắp ráp tại EU. Động thái được đưa ra một tháng sau khi Mỹ điều tra xem việc nhập khẩu ôtô có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không.
David Henig nhận định nếu Mỹ thực sự áp thuế với xe hơi sản xuất tại EU, thì Liên minh sẽ không tránh được việc trả đũa. “Hiện chưa rõ xung đột sẽ đi tới đâu hay nó sẽ chấm dứt thế nào. Tất nhiên chúng ta đều biết Trump là người hay thay đổi”, Henig nói.
Chuyên gia của ECIPE đánh giá xung đột thương mại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của các bên liên quan, nhưng tác động về chính trị còn lớn hơn, nó khiến các nước gia tăng phản ứng và chống lại xu hướng toàn cầu hóa.
Với mối liên minh giữa Mỹ và EU, Henig cho rằng nó đang phải chịu áp lực rất lớn, cũng như mối liên minh giữa Mỹ và các nước khác. Khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, một số doanh nghiệp gánh hậu quả, có thể Tổng thống Mỹ sẽ phải thay đổi kế hoạch nhưng ông không chắc về điều này.
Cũng nhấn mạnh đến việc Tổng thống Trump không coi trọng thể chế kinh tế quốc tế, tuyên bố không ấn tượng với quá trình giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ross Denton, chuyên gia thương mại tại Công ty luật Baker McKenzie, Mỹ, cho rằng áp lực với EU và các nước thành viên đang gia tăng.
“Khó mà biết hai bên sẽ giàn xếp với nhau như thế nào”, Denton nói.
Denton cho rằng dường như Tổng thống Trump chỉ có tầm nhìn trung hạn, đưa ra chính sách thương mại gây hấn mà không tính nhiều đến các hệ quả kinh tế. Về chính trị, căng thẳng thương mại với EU sẽ gây hại cho liên minh xuyên Đại Tây Dương.
“Có vẻ như Trump đang tạo nên xung đột với các lãnh đạo Đức và Pháp về các vấn đề chính trị và kinh tế. Điều đó vô tình trúng ý một số nước muốn thấy liên minh suy yếu, như Nga và Trung Quốc”, Denton nói.
Với Mỹ, khi Trump đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu, người tiêu dùng các mặt hàng này ở Mỹ sẽ phải trả thêm, dẫn tới làm tăng chi phí của ngành công nghiệp dùng thép và nhôm làm nguyên liệu. Hệ quả là tăng trưởng của Mỹ chậm lại và người lao động có nguy cơ mất việc làm.
Gregor Irwin, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Anh, nhận định phần lớn các nước EU muốn tránh leo thang với Mỹ mà không bị thua thiệt nhiều. Do đó hai bên có thể có đối thoại nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy EU sẵn sàng áp thuế trả đũa nếu cần thiết. Xung đột thương mại đang gây hại lớn đến quan hệ chính trị giữa Mỹ và EU, khi các nước nhanh chóng mất niềm in vào chính quyền Trump.
Lên tiếng chỉ trích chính sách của Trump, Daniel Price, cựu cố vấn cấp cao Nhà Trắng về thương mại, đầu tư, dưới thời Tổng thống George Bush, cho rằng Mỹ dường như quyết tâm dùng vấn đề “an ninh quốc gia” làm cớ để đòi hỏi EU nhượng bộ về thương mại.
“Các hành động của Mỹ đang làm gây hại đến các quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Thay vì hợp tác cùng các đồng minh để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, Mỹ lại đang tạo nên những xung đột không đáng có làm giảm hợp tác trong tương lai”, Price nhấn mạnh.