Hồ nước bao phủ hoang mạc 650.000 km2 sau bão nhiệt đới

Hồ nước bao phủ hoang mạc 650.000 km2 sau bão nhiệt đới

 Sa mạc Oman ngập nước sau cơn bão. Video: Twitter.

Rub’ al-Khali, hoang mạc cát không gián đoạn lớn nhất thế giới trên bán đảo Arab biến thành một ốc đảo với vô số hồ nước sau khi bão nhiệt đới Mekunu đổ bộ vào khu vực tháng trước, hiện tượng hiếm gặp chưa từng xảy ra trong 20 năm qua, theo IFL Science. Ảnh chụp từ vệ tinh Landsat 8 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hé lộ sự biến đổi cảnh quan của hoang mạc trước (13/5) và sau cơn bão (29/5).

Bão nhiệt đới Mekunu mạnh nhất vào hôm 25/5, khiến Salalah, thành phố ở Oman, nhận được lượng mưa lên tới 27,8 cm chỉ sau 24 giờ. Nước đọng lại theo cách khác thường do sự phân bố của những đụn cát trên sa mạc. Gió sa mạc tạo ra nhiều đường rãnh, hình thành vô số đụn cát.  

Hoang mạc Rub’ al-Khali trước và sau khi bão Mekunu đổ bộ. Ảnh: NASA.

Tất cả ảnh vệ tinh đều sử dụng màu sai để giúp phân biệt đặc điểm khác nhau dễ dàng hơn, cũng như các loại đất đá. Tuy nhiên, hiệu ứng rất ấn tượng khi nhìn từ quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Rub’ al Khali trong tiếng Arab có nghĩa là “Phố vắng”. Khu vực này trải rộng 650.000 km2 qua Arab Saudi, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Yemen. Đây là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái Đất.

Trận lụt sẽ giúp ích cho khu vực. “Vùng đất sẽ cần 30 ngày để cây cỏ mùa hè đâm chồi. Mọi người sẽ có đủ thức ăn cho lạc đà trong hai năm tới”, Ali Al-Hatish, người thường đi qua hoang mạc, cho biết.